Amnesia: Rebirth là hậu bản rùng mình của Amnesia: The Dark Descent ra mắt lần đầu vào năm 2010, tựa game đưa tên tuổi của nhà phát triển Frictional Games nổi lên bất ngờ giữa lúc thể loại kinh dị không còn được nhận được nhiều chú ý trên thị trường ở thời điểm đó. Lý do thì nhiều nhưng quan trọng nhất có lẽ có rất ít trải nghiệm tạo được cái cảm giác sợ hãi trong tâm trí người chơi, khiến bạn bị ám ảnh và hoang mang với những gì tai nghe mắt thấy như tựa game nói trên.
Mặc dù sau đó dòng game Amnesia chào đón thêm “người anh em thiện lành” A Machine for Pigs. Thế nhưng, tựa game này để lại ý kiến trái chiều khi được giao cho Chinese Room đảm nhận việc phát triển. Đến năm 2015, SOMA được Frictional Games ra mắt như một thử nghiệm bằng cách loại bỏ khả năng tương tác và chiến đấu ở cả khía cạnh câu chuyện kể và gameplay trong trải nghiệm. Thay vào đó, bạn chỉ có thể chơi trốn tìm với kẻ thù khi bóng tối che giấu mọi thứ, yếu tố tạo nên cảm giác rùng mình cho người chơi.
Thế nhưng từ khi SOMA phát hành đến nay, Frictional Games khá im hơi lặng tiếng về các dự án game mới của họ. Chỉ gần đây mới giới thiệu và ra mắt Amnesia: Rebrith khá lặng lẽ, trong khi lại đánh tiếng về một dự án khác. Theo lẽ thường tình, thành công của dự án chưa ra mắt phụ thuộc vào tựa game trước đó và tôi nghĩ là họ đã thành công. Ở góc độ người chơi đã kinh qua khá nhiều trải nghiệm kinh dị, Rebirth mang đến cảm giác trải nghiệm rùng mình không kém tựa game tiền nhiệm Amnesia: The Dark Descent.
Kỳ thực, Amnesia: Rebirth có nhiều khía cạnh đã làm tốt hơn người tiền nhiệm như quy mô và tham vọng hơn. Đồ họa cũng ấn tượng hơn khi xét khía cạnh game indie. Hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời, góp phần không nhỏ trong việc mang đến cảm giác sợ hãi từ trong tâm trí khi bạn di chuyển giữa nơi có ánh sáng và bóng tối. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn vài khía cạnh không như kỳ vọng. Chẳng hạn, cách xây dựng câu đố gây nhiều ức chế và việc thu thập các mảnh ghép nội dung dày đặc chỉ tạo cảm giác cao trào vào phút cuối.
Dù vậy, Amnesia: Rebirth có cốt truyện khó đoán và tôi nghĩ điều này cũng là điểm cộng của trò chơi. Người chơi nhập vai nhân vật nữ Tasi Trianon. Trong chuyến thám hiểm châu Phi cùng anh chồng Salim và những người trong đoàn, máy bay chở mọi người bị sự cố và rơi xuống sa mạc. Tỉnh dậy với ký ức trống rỗng cùng cảm giác ngờ vực và không nhớ chuyện gì đã xảy ra, nhân vật chính phải lang thang khắp nơi tìm những manh mối, nhưng mọi thứ dần trở nên ngoài sức tưởng tượng của bạn.
Amnesia: Rebirth có sự kết nối khá chặt chẽ với The Dark Descent về mặt nội dung, nhưng không đòi hỏi bạn phải trải nghiệm phần chơi trước. Người chơi hoàn toàn có thể trải nghiệm độc lập mà không sợ ảnh hưởng đến câu chuyện kể của game. Chỉ là nhiều thắc mắc hoặc tò mò về chuyến thám hiểm của nhân vật chính Daniel trong phần chơi tiền nhiệm sẽ được giải đáp trong phần chơi mới. Từ những gì xảy ra ở hầm mộ cổ cho đến nguồn gốc của những quả cầu đều lần lượt được giải đáp trong bản Rebirth.
Đáng chú ý, Amnesia: Rebrith không phải là tựa game để bạn chơi ngấu nghiến rồi hoàn tất trải nghiệm một cách thỏa mãn. Kỳ thực, tôi không nghĩ bạn sẽ thỏa mãn với lối chơi quá nhanh quá nguy hiểm như thế. Thay vào đó, trò chơi đã “căn dặn” người chơi về cách trải nghiệm game được xây dựng để cuốn hút bạn vào câu chuyện kể. Điều này được thể hiện ở mức độ trừng phạt cho mỗi sai lầm của người chơi gần như không có. Không những vậy, yếu tố gây sợ hãi cho người chơi cũng không thật sự đáng sợ.
Đó là ở cảm nhận của tôi khi so sánh với trải nghiệm Amnesia: The Dark Descent trước đó. Chính xác hơn là những gì mà tôi còn nhớ về nó. Amnesia: Rebirth sử dụng những yếu tố gây sợ hãi không mới nhưng trừ khi bạn vứt đồ bậy bạ, những thứ phản chủ đó khó lòng trở thành nhân tố gây sợ hãi. Những âm thanh vang lên bất ngờ khi bạn va phải vật gì đó trong bóng tối hay kẻ thù cũng chỉ là bổn cũ soạn lại. Điều này có thể khiến nhiều người chơi có tinh thần thép và yêu thích cảm giác bị hù dọa cảm thấy thất vọng.
Mặc dù ba kết thúc của trò chơi có thể để lại nhiều suy tư trăn trở về thế sự, Amnesia: Rebirth lại không hề có tính triết lý cao đáng suy ngẫm như SOMA. Đó là chưa kể chủ đề về tình mẫu tử dường như đã và đang bị lạm dụng quá nhiều trong những tựa game kinh dị, khiến tôi không còn cảm giác bất ngờ với câu chuyện kể. Tuy nhiên, nhà phát triển cũng có những điểm nhấn tạo nên cảm giác mới mẻ ở khía cạnh này. Vẫn là tình mẫu tử, nhưng có thêm hướng tương tác mới mà tôi chưa từng thấy ở bất kỳ tựa game nào khác.
Đó là chưa kể vấn đề này thường để lại khá nhiều tranh luận vì tính nhạy cảm của nó. Tôi phải có lời khen cho đội ngũ biên kịch của Frictional Games khá dũng cảm khi đưa nó vào trải nghiệm. Càng không thể không có lời khen cho khía cạnh giải đố khá sáng tạo, xây dựng được không khí trải nghiệm khá đa dạng dù sợ hãi có thể không nằm trong số này. Thiết kế màn chơi cũng kiến thiết phù hợp với định hướng này của game. Cùng một ý tưởng nhưng được triển khai trong các môi trường và mối hiểm họa khác nhau.
Nó giúp trải nghiệm vẫn giữ được sự tươi mới, đánh lừa người chơi về cảm giác lặp lại vốn dĩ không tránh khỏi đó. Amnesia: Rebirth liên tục đưa ra nhiều yêu cầu khiến bạn gần như không có giờ phút ngơi tay, phải liên tục di chuyển hết địa điểm này đến địa điểm khác. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của trò chơi là nó có quá nhiều thông tin mà bạn phải nắm bắt nếu muốn hiểu được toàn bộ câu chuyện kể. Càng về sau số lượng ghi chép này càng nhiều, vô tình khiến nhịp độ chơi cũng bị ảnh hưởng khá lớn.
Nhà phát triển Frictional Games dường như quá đặt nặng mục tiêu phải giải thích rõ ngọn ngành mọi thứ, quên đi nhịp độ chơi đang ngày càng trở nên lê lết trong thời lượng trải nghiệm về sau. Vấn đề ở chỗ, nếu bạn không quan tâm đến câu chuyện kể thì Amnesia: Rebirth cũng không còn gì nhiều để giữ được sự cuốn hút đến phút cuối cao trào. Thậm chí ngoài Tasi, dàn nhân vật phụ không để lại nhiều ấn tượng khi sự xuất hiện của họ khá nhạt nhòa, chỉ để phơi bày ruột gan cốt truyện tiếp nối từ The Dark Descent.
Như đã nói ở trên, người chơi không nhất thiết phải trải nghiệm Amnesia: The Dark Descent để hiểu rõ câu chuyện kể trong phần chơi mới. Có điều, bạn sẽ hào hứng hơn khi điều nghiên kỹ lưỡng nội dung của tựa game tiền nhiệm. Chúng có sự gắn kết khá thú vị giống như phần thưởng nhỏ dành cho những ai chịu khó đào sâu về cốt truyện. Tuy nhiên, điều này lại bị hạn chế phần nào bởi cách xây dựng gợi ý giải đố trong game đến từ những bức họa mơ hồ và khó hiểu, không hề lộ liễu như Remothered: Broken Porcelain.
Ở góc độ người chơi, mặc dù khía cạnh giải đố không gây nhiều khó khăn, nhưng đôi lúc nó đòi hỏi sự tỉ mỉ từng chút một cách khó chịu. Đây là lý do khiến tôi thỉnh thoảng phải chạy lòng vòng trong không gian màn chơi chỉ để tìm manh mối giải đố, khá là ức chế. Đôi khi lời giải đến bất chợt cũng giống như những con quái vật chạy rong dọa bạn hết hồn chim én trong trải nghiệm Amnesia: Rebirth vậy. Điều thú vị là so với The Dark Descent, gần như mọi thứ trong phần chơi hậu bản này đều như nâng tầm lên một bậc.
Sau cuối, Amnesia: Rebirth mang đến một trải nghiệm phiêu lưu rùng rợn hấp dẫn, mang nhiều cảm giác “mô phỏng đi bộ”. Trò chơi có sự tiếp nối thú vị và cải thiện rất nhiều so với tựa game tiền nhiệm ở nhiều khía cạnh. Mặc dù điểm trừ lớn nhất nằm ở khía cạnh giải đố và nhịp độ chơi, nhưng nếu yêu thích thể loại phiêu lưu rùng rợn nói chung và dòng game Amnesia nói riêng, đây chắc chắn là cái tên mà bạn không thể bỏ qua vào mùa Halloween năm nay.
Amnesia: Rebirth hiện có cho PC (Windows) và PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStation 4.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!