Mặc dù trên PC cũng có Amnesia Collection, tuy nhiên đây không phải là phiên bản game giống như trên nền tảng console mà chỉ là một gói game mua chung với mức giá ưu đãi mà thôi. Phiên bản Amnesia Collection thật sự là một bộ sưu tầm mang đến ba trải nghiệm kinh dị sinh tồn khác nhau: Amnesia: The Dark Descent, Justine và Amnesia: A Machine for Pigs.
Dòng game kinh dị vốn không phải hiếm trên thị trường, điều đó thể hiện qua rất nhiều tượng đài của thể loại này như series Siren, Silent Hill và càng không thể không nhắc đến Resident Evil luôn là những cái tên đáng nhớ. Đáng tiếc là những cái tên nổi tiếng một thời như Siren hay Silent Hill gần như đã “chết” vì không phát hành phần chơi mới từ rất nhiều năm qua. Ngay cả “anh cả” Resident Evil có tuổi đời khá lâu cũng tương đối chật vật để quay trở lại trong phần chơi mới nhất Resident Evil 7. Đây chính là thị trường dành cho những cái tên mới nổi như Layers of Fear, Observer hay series game Amnesia.
Với người chơi console thì Amnesia Collection là một trong những cái tên rất đáng chú ý, đặc biệt là những ai yêu thích game kinh dị pha lẫn yếu tố tâm lý. Bởi những gì gây nên sự sợ hãi đó không phải nằm ở những gì bạn thấy, mà là ở cái cảm giác sợ hãi trước những gì bạn không thể thấy. Đó có thể là cảm giác sởn tóc gáy khi bất ngờ nghe một tiếng thét bi thảm vọng lại từ xa xăm lắm mà bạn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng đó cũng có thể là những âm thanh rất nhỏ những tiếng thầm thào vô nghĩa pha lẫn trong trải nghiệm khiến bạn rùng mình nổi da gà. Điều đáng sợ nhất là nó làm lung lay “con tim yếu đuối” của người chơi, tạo cho bạn một cảm giác bất ổn liên tục trong trải nghiệm.
Amnesia: The Dark Descent, tựa game đầu tiên trong Amnesia Collection có lẽ chính là một ví dụ điển hình của thể loại kinh dị tâm lý này. Trò chơi đưa bạn đến với nhân vật Daniel, thức giấc trong một tòa lâu đài khổng lồ và lạnh lẽo mà không tài nào nhớ rõ “đây là đâu, tôi là ai” và tại sao bạn lại ở đây. Người chơi sẽ tham gia vào cuộc phiêu lưu của nhân vật để tìm kiếm những manh mối về toàn bộ câu chuyện, trong một tâm trạng bất ổn của nhân vật chính lẫn người chơi. Nó gieo vào tâm trí bạn một sự sợ hãi lẫn lộn giữa những gì mà nhân vật thấy được lẫn không thấy được.
Sự tỉnh táo chính là yếu tố then chốt mang đến cảm giác kinh hoàng trong trải nghiệm Amnesia: The Dark Descent. Nó cũng giống như ngoài đời thật, khi một người ở trong bóng tối một mình suốt một thời gian quá dài, não của họ sẽ bắt đầu xuất hiện những cảm xúc khác thường hay thậm chí là những ảo giác không có thực. Trong game cũng được xây dựng như vậy, khi đứng trong bóng tối quá lâu thì Daniel sẽ bắt đầu thấy những điều kỳ lạ như con gián di chuyển trên sàn nhà hay cánh cửa biết bay. Những điều đó liệu có thực hay không luôn là câu hỏi để ngỏ trong trải nghiệm.
Thiếu tỉnh táo cũng gây tác động đến thị lực của Daniel, khiến bạn không thể quan sát mọi thứ rõ ràng nữa. Ngay cả khi bạn tỉnh táo thì ánh sáng tù mù của môi trường màn chơi cũng khiến mọi thứ lúc mờ lúc tỏ. Để giải quyết vấn đề của đôi mắt, người chơi phải tìm dụng cụ để thắp nến hoặc sử dụng đèn lồng. Vấn đề ở chỗ, mọi thứ đều được thiết kế để không gian không bao giờ quá sáng bằng cách hạn chế việc thắp nến lẫn sử dụng đèn. Ấn tượng nhất trong trải nghiệm có lẽ là phần âm thanh tạo cảm giác đáng sợ cho người chơi. Từ những tiếng kẽo cọt của sàn nhà cho tới tiếng bước chân lộn xộn hay những tiếng rên rỉ rất nhỏ đâu đó khi bạn điều khiển nhân vật tiếp cận đối tượng.
Trải nghiệm sẽ chân thật hơn nếu bạn chịu khó đeo tai nghe. Khi đó, người chơi có thể giật bắn người với âm thanh van xin của ai đó vọng lại rất nhỏ nếu bạn cố gắng lắng nghe. Nhưng làm gì có ai ở quanh đây trong cái tòa lâu đài, hay là bạn chỉ tưởng tượng? Không những vậy, người chơi còn phải giải những câu đố và lồng ghép trong đó là những phân đoạn sinh tồn mà nhân vật Daniel phải trốn trong những không gian tối và bị suy giảm sự tính táo nói trên. Đó có thể là lúc quái vật không biết ở đâu đó cứ bất ngờ xuất hiện ngẫu nhiên và theo bạn khắp mọi nơi. Bạn sẽ làm gì với nó? Chạy thôi!
Chưa kể, trò chơi còn được xây dựng màn chơi trong một tòa lâu đài gothic khổng lồ đậm chất kinh dị, kết hợp với nhiều sự kiện nhằm gieo vào đầu người chơi những cảm giác sợ hãi do trí tưởng tượng phong phú của họ. Đây chắc chắn là một trải nghiệm đầy “yêu thích” dành cho những ai không thích chất liệu kinh dị được xây dựng trên yếu tố máu me và bạo lực như Outlast. Đó cũng là cách mà Amnesia: The Dark Descent “thao túng” cảm giác trải nghiệm của người chơi. Đơn giản mà hiệu quả chính là hai yếu tố cốt lõi trong xây dựng trải nghiệm khiến Amnesia: The Dark Descent thật sự lôi cuốn và dễ dàng khiến người chơi chìm đắm trong cuộc phiêu lưu rùng mình đó.
Thú vị là phần chơi này có thêm độ khó Hard với một số thay đổi so với trải nghiệm ban đầu. Cụ thể, độ khó này sẽ không có chức năng Autosave như thông thường, thậm chí nếu bạn save game thủ công thì cũng sẽ tốn tới bốn tinderbox. Đây là một cái giá khá đắt vì vật phẩm này rất cần thiết trong trải nghiệm. Đã vậy, dầu cho đèn lồng sẽ khó kiếm hơn và việc để mất đi sự tỉnh táo sẽ khiến nhân vật chết chứ không gục ngã trong một khoảng thời gian ngắn nữa. Nếu như thế vẫn chưa đủ hấp dẫn thì quái vật ở độ khó này sẽ nhanh và cảnh giác hơn, gây sát thương nhiều hơn và chúng sẽ xuất hiện “lặng im” mà không còn nhạc nền cảnh báo như bình thường nữa.
Justine thì ngược lại. Trò chơi mang đến thời lượng chơi khá ngắn chỉ khoảng nửa tiếng và khó có thể thuyết phục người chơi về những gì mà trải nghiệm này mang đến hơn. Dù vậy, đây vẫn là một bonus khá thú vị với những ai muốn thay đổi chút không khí sau trải nghiệm Amnesia: The Dark Descent. Về cơ bản, người chơi sẽ vào vai một nhân vật có tên là Justine, tỉnh dậy trong một khu nhà giam và phải vượt qua hàng loạt các bài kiểm tra tâm lý với nhiều yếu tố máu me. Đáng chú ý trong trải nghiệm Justine chính là bạn chỉ có một mạng duy nhất. Nếu để nhân vật chết, người chơi sẽ phải trải nghiệm lại game từ đầu.
Khác với cả hai game trên, thay vì mang đến trải nghiệm kinh dị sinh tồn tâm lý quen thuộc trong series, tựa game cuối cùng trong Amnesia Collection gần như chuyển hẳn sang hướng phiêu lưu thuần túy. Amnesia: A Machine for Pigs được xem là phần tiếp theo gián tiếp của The Dark Descent, nhưng với hướng đi khác và mang đến cảm giác khá trái chiều. Trò chơi chỉ có một số câu đố đơn giản nhưng thiết kế màn chơi được làm khá tốt, tạo được cảm giác đáng sợ về mặt thị giác trong trải nghiệm. Đáng tiếc là game lại không có cơ chế gameplay hấp dẫn như The Dark Descent mà tối giản trải nghiệm giống như một tựa game walking simulator hơn.
Bù lại, Amnesia: A Machine for Pigs xây dựng cốt truyện hấp dẫn và mang đến cảm giác kinh hoàng hơn. Có lẽ vì muốn tập trung vào yếu tố này mà nhà phát triển đã đơn giản hóa phần giải đố, thậm chí loại bỏ hoàn toàn cơ chế dùng dầu để đốt đèn lồng hay châm lửa cho nến như trong Amnesia: The Dark Descent. Yếu tố này có thể khiến nhiều người chơi thất vọng, nhất là những người mong chờ ở một trải nghiệm kinh dị sinh tồn tâm lý tương tự như The Dark Descent. Dù vậy, nếu nhìn ở tổng thể trong toàn bộ trải nghiệm mà Amnesia Collection mang đến, khó có thể phủ nhận đây lại là một lợi thế không hề nhỏ cho bộ sưu tầm game này, mang đến sự thay đổi khẩu vị cho người chơi với ba trải nghiệm khác nhau.
Sau cuối, Amnesia Collection là một bộ sưu tầm game kinh dị tuyệt vời dành cho cho nền tảng game console khi mang đến ba trải nghiệm sinh tồn khác nhau. Nếu có gì để chê thì có lẽ chủ yếu là ở đồ họa không quá ấn tượng của trò chơi. Thế nhưng, đây có thể cũng là một điểm cộng cho trò chơi vì nếu đồ họa quá ấn tượng, có lẽ trải nghiệm sẽ bớt đáng sợ đi rất nhiều. Fan của thể loại game kinh dị sinh tồn tâm lý càng không nên bỏ qua bộ sưu tầm game này.
Amnesia Collection được phát hành cho PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!