Amnesia: Collection là bộ sưu tầm gồm ba trải nghiệm kinh dị sinh tồn Amnesia: The Dark Descent, Justine và Amnesia: A Machine for Pigs. Sau một thời gian khá dài tưởng chừng không có hy vọng, cuối cùng bộ game này cũng “gieo rắc kinh hoàng” đến người chơi Nintendo Switch.
Trong ba cái tên nói trên, Amnesia: The Dark Descent là tựa game đáng chú ý nhất, chủ yếu vì chất liệu và trải nghiệm kinh dị mà nó mang đến khi lần đầu tiên phát hành trên PC. Một số người chơi còn gọi đây là tựa game kinh dị đáng sợ nhất mọi thời đại nhưng tôi không nghĩ vậy. Với tôi, đây chỉ là một trong số những tựa game đã xây dựng khá tốt cái cảm giác tâm lý kinh dị gây ám ảnh người chơi trong suốt trải nghiệm. Nói thế nhưng với những ai yếu bóng vía, rất có thể cuộc phiêu lưu của nhân vật chính Daniel cũng khiến bạn són ra quần chứ chẳng đùa.
Trong khi đó, Justine chỉ là một bản mở rộng có thời lượng chơi khá ngắn, còn Amnesia: A Machine for Pigs lại là phần tiếp theo chẳng hề liên quan gì đến The Dark Descent như bạn nhầm tưởng. Tựa game này chỉ tập trung vào câu chuyện kể rùng rợn với lối chơi khá thuần “cưỡi ngựa xem hoa” walking simulator, không đáng sợ bằng Amnesia: The Dark Descent. Sau ba năm phát hành trên PlayStation 4 và ra mắt bản Xbox One vào năm ngoái, đến tận bây giờ thì người chơi Nintendo Switch mới được chạm tay vào bộ game này. Liệu thời gian chờ đợi dài như vậy có còn khiến bạn hạnh phúc với trải nghiệm game? Câu trả lời đang chờ bạn ở cuối bài.
Các phần chơi trong Amnesia: Collection chỉ là những tựa game kinh phí thấp, do vậy đồ họa không phải là điểm nhấn của cả ba phần chơi. Thậm chí, với phần lớn khung cảnh tăm tối và mờ ảo dưới ánh sáng yếu ớt trong môi trường màn chơi, đồ họa đẹp cách mấy cũng khó mà thể hiện được rõ nét trên màn hình ở chế độ handheld hay khi xuất hình ra ti vi. Có lẽ nhờ vậy mà cả ba trải nghiệm game đều có tốc độ khung hình tương đối ổn định, dù thỉnh thoảng vẫn có những phân đoạn bị giật hình nhẹ khi tải nặng. Tôi nhớ đây là vấn đề không mới trên các nền tảng khác, khả năng cao là do game engine chứ không phải riêng bản Nintendo Switch.
Dù sao, điều đáng mừng là bạn sẽ không than phiền nhiều về vấn đề này trong suốt trải nghiệm, trừ Justine có có lẽ hiệu năng kém nhất trong bộ ba dù thời lượng chơi cũng ngắn nhất. Trải nghiệm Amnesia: The Dark Descent lại là câu chuyện khác. Nhà phát triển khá chắc tay trong việc xây dựng yếu tố kinh dị hình thành từ những tiếng thét vọng lại hay những lời thì thầm vô nghĩa cứ vang vọng trong suốt trải nghiệm, tạo cho người chơi một tâm trạng rùng mình. Điều này còn được kết hợp khá tốt giữa những gì bạn không thể thấy và tiếng động xung quanh, tạo nên một cảm giác kinh hoàng với những ai sinh ra vốn đã có “trái tim yếu đuối”.
Nếu dễ sợ hãi, lời khuyên của tôi là không nên đeo tai nghe, vì bạn sẽ nghe rất rõ nhiều âm thanh khá đáng sợ được nhà phát triển lồng ghép rất khéo léo trong trải nghiệm mà loa ngoài máy Switch không thể hiện được. Yếu tố này được đưa vào ngay trong những khung cảnh bất ngờ và nó thật sự hiệu quả trong việc gieo vào tâm trí người chơi một cảm giác sợ hãi khó lý giải. Mặt khác, nhân vật chính không có cách nào để đối phó với kẻ thù ngoài việc chạy và trốn là một bất lợi không nhỏ. Cách thiết kế này khá quen thuộc vì nó tạo cho người chơi sự căng thẳng liên tục, góp phần khiến não của bạn mệt mỏi và mở đường cho yếu tố đồ họa mờ mờ ảo ảo trong game phát huy thế mạnh với cái tên “thật kêu”: sự tỉnh táo (sanity).
Về cơ bản, sanity là cảm giác hoang mang sợ hãi khi mắt người phải nhìn trong bóng tối quá lâu. Cộng với sự tiếp nhận thông tin từ thính giác như âm thanh, tiếng động, trí tưởng tượng phong phú của bộ não Daniel bắt đầu tạo nên những ảo giác ngoài mong đợi và người chơi “lãnh đủ”. Cùng với các câu đố mang tính tương tác, yếu tố này cũng là một rào cản dành cho bạn trong suốt trải nghiệm, đương nhiên là người chơi sẽ tìm đến những nơi có ánh sáng cho đỡ sợ và tăng sự tỉnh táo cho nhân vật bớt bị ảo giác. Điều gì sẽ xảy ra nếu trò chơi hạn chế những yếu tố này và đó chính là lối chơi mà tựa game này mang đến trong trải nghiệm. Thú vị là nó thật sự hiệu quả khi xét ở khía cạnh một tựa game kinh dị tâm lý.
Ngược lại, Amnesia: A Machine for Pigs tập trung nhiều câu chuyện kể nhuốm màu rùng rợn khi cố tình chia sẻ với người chơi những chi tiết nhỏ trong một bức tranh lớn, để bạn thả hồn tưởng tượng ra những chuyện kinh hoàng như ý đồ của nhà phát triển. Yếu tố giải đố được thiết kế tối giản và sẽ khiến không ít người chơi cảm thấy hụt hẫng hay thậm chí thất vọng sau trải nghiệm Amnesia: The Dark Descent. Bù lại cho những câu đố cực kỳ đơn giản, trò chơi xây dựng màn chơi khá tốt về mặt thị giác, tạo được không khí rờn rợn cần thiết trong suốt trải nghiệm khi đi kèm với câu chuyện kể khá tăm tối, có thể khiến không ít người chơi cảm thấy kinh hoàng khi hé mở đến tận cùng sự thật.
Đáng tiếc, so với các phiên bản khác thì Amnesia: Collection phiên bản Switch có một vấn đề khá lớn với phần điều khiển thiếu chính xác, “di sản” của hệ máy này từ trước đến nay và dường như vẫn chưa được giải quyết trong mẫu máy mới nhất Nintendo Switch Lite. Nguyên nhân ban đầu có thể do bản thân các phần chơi trong bộ game này được thiết kế cho trải nghiệm PC dùng chuột và bàn phím. Tuy nhiên, khi chuyển sang console dùng tay cầm, chỉ có Nintendo Switch gây nhiều rắc rối do đặc trưng thiết kế cần analog của Joy-Con. Nó đặc biệt là vấn đề lớn với phần chơi Amnesia: The Dark Descent trên máy Switch do khá nặng về yếu tố tương tác giải đố, đòi hỏi sự chính xác mà tay cầm Joy-Con không thể đáp ứng như PS4 hay Xbox One.
Tương tác trong Amnesia: The Dark Descent phiên bản Switch thật sự không khác gì cơn ác mộng, đòi hỏi bạn phải đứng ở một góc độ nhất định để nút tương tác hiện lên. Thao tác trên màn hình nhỏ xíu ở chế độ handheld của Nintendo Switch gây ức chế kinh khủng. May mắn là vấn đề này ít khiến người chơi nổi điên hơn trong Justine và Amnesia: A Machine for Pigs, nhưng không phải do nó đã được cải thiện mà vì hai phần chơi còn lại ít tương tác hơn. Justine có thời lượng chơi cực ngắn nên tương tác chỉ đôi lần, trong khi A Machine for Pigs không có hệ thống hành trang và cũng rất ít yếu tố tương tác do đặc trưng thể loại và lối chơi thiên về câu chuyện kể.
Một vấn đề nhỏ hơn là launcher của Amnesia: Collection thiết kế khá tệ. Sau khi chọn một trong ba phần trải nghiệm, bạn chỉ có thể thoát hoàn toàn game về Home rồi vào lại launcher nếu muốn đổi phần trải nghiệm khác. Trò chơi không có phím tắt nào để thoát về launcher và chọn game khác hoặc có thể có mà tôi chưa mò ra được “tổ hợp phím thần thánh” này. Thế nhưng, vấn đề đáng tiếc nhất và cũng là vấn đề chung trên nền tảng console và Nintendo Switch nói riêng là bạn sẽ không thể tận dụng các bản mod do người chơi tạo ra trên PC, trong đó có rất nhiều nội dung “tự tui tạo” rất hay về kịch bản, rất có giá trị về trải nghiệm.
Sau cuối, Amnesia: Collection phiên bản Switch mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn tuyệt vời với ba phần chơi khác nhau. Mặc dù đồ họa không quá ấn tượng, nhưng nhà phát triển khá thành công khi xây dựng không khí rùng rợn và cảm giác đáng sợ khác nhau xuyên suốt ba phần chơi. Khó có thể phủ nhận đây là điểm hấp dẫn nhất của bộ sưu tầm game này khi mang đến khẩu vị khác nhau trong ba trải nghiệm. Chỉ tiếc là vấn đề điều khiển trong bản Nintendo Switch có thể khiến trải nghiệm game trở thành cơn ác mộng thật sự, làm giảm đi khả năng chơi game cơ động hấp dẫn của nền tảng này.
Amnesia: Collection được phát hành cho PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác