Sau nhiều “lời ong tiếng ve” khi phát hành trên PC, Agony cũng đưa địa ngục đến với người chơi trên các nền tảng console và mới đây nhất, Nintendo Switch đã trở thành là điểm dừng chân cuối cùng của tựa game này trên thế hệ console hiện tại.
Dù đã có nhiều cập nhật tích cực để trải nghiệm game bớt ức chế hơn, Agony phiên bản Switch vẫn chưa thể thoát khỏi hoàn toàn những vấn đề của bản PC ở khía cạnh thiết kế game. Về cơ bản, đây vẫn là một tựa game kinh dị sinh tồn xoay quanh yếu tố giải đố và hành động lén lút ở góc nhìn thứ nhất, với lối chơi mang nặng cảm giác “old-school” của thiết kế game ngày xưa. Điển hình như lối đi nhiều nhánh rẽ khác nhau, nhiều bí mật với không gian rộng lớn và trải nghiệm khám phá phi tuyến tính, không có minimap. Trải nghiệm game đòi hỏi người chơi phải liên tục tìm chỗ lẩn tránh lũ quỷ địa ngục mà không có bất kỳ yếu tố chiến đấu nào cả, khá quen thuộc với những ai từng chơi Outlast hay Blair Witch.
Thế nhưng, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra có nhiều phân đoạn gây ức chế như Dollhouse do thiết kế màn chơi khá rộng, nhiều lối đi giao nhau đòi hỏi khám phá khá nhiều. Trong khi đó, hệ thống gợi ý “đường đi nước bước” thường không mấy hữu dụng. Mặc dù vậy, điểm nhấn lớn nhất của tựa game này vẫn là “phong cảnh” địa ngục vừa rùng rợn vừa chân thật, đúng như những gì mà tôi thường đọc trong các tác phẩm văn học kinh điển. Kết hợp với phần âm thanh và những tiếng ai oán khá ám ảnh, những cảnh tượng địa ngục trong Agony có thể gây sốc với không ít người chơi, nhất là những ai “yếu thần kinh” và có “con tim yếu đuối”. Nếu có “tâm hồn đen tối”, bạn càng dễ lao đao với trải nghiệm game khi khắp nơi luôn có những hình ảnh ám ảnh và dễ liên tưởng.
Thậm chí, dù có phần “kém sang” so với các nền tảng khác do phần cứng yếu kém, nhưng chất lượng đồ họa của Agony trên hệ máy của Nintendo lại khiến tôi xem như một điểm cộng về khả năng “tốt khoe xấu che”. Những vấn đề cũ như lỗi glitch hay kẹt địa hình phần lớn đều được nhà phát triển giải quyết trong phiên bản Switch. Không những vậy, tốc độ khung hình nhìn chung cũng tương đối ổn định chứ không trồi sụt bất thường nhiều như bản PC lúc mới phát hành nữa. Tuy nhiên, những vấn đề nói trên nhưng vẫn còn đây đó ở mức độ thấp, nhưng không đến mức gây nhiều khó chịu. Ít nhất thì công sức “khắc phục hậu quả” của nhà phát triển Madmind Studio đã được đền đáp và người chơi Nintendo Switch lại hưởng lợi bù cho việc chơi trễ.
Thế nhưng, Agony vốn không phải là một cuộc phiêu lưu nhẹ nhàng mà ngược lại là đằng khác. Người chơi phải vượt qua hàng loạt các câu đố và lũ quỷ cục súc “trẻ không tha già không thương” lang thang khắp nơi ở địa ngục, tìm cách đạt được mục tiêu hoặc tự đày ải linh hồn ở “bể khổ” địa ngục. Phần lớn các câu đố không gây nhiều khó khăn, nhưng những cạm bẫy bất công được “rải đinh” dọc đường lại vô cùng ức chế trong trải nghiệm. Nhân vật của người chơi là một linh hồn bị đày đọa xuống địa ngục, phải thực hiện cuộc hành trình dài đầy gian khổ theo nghĩa đen để tiếp cận với Red Goddess, một NPC có tạo hình khá ấn tượng nắm giữ manh mối giúp cứu rỗi linh hồn thoát khỏi kiếp khổ ải bị đày đọa vĩnh viễn chốn địa ngục.
Một trong những cơ chế khá thú vị trong trải nghiệm Agony là khả năng xuất hồn cướp xác những nhân vật khác mà bạn gặp trong trải nghiệm. Thế nhưng, ngay cả cơ chế thú vị này cũng gây nhiều ức chế với bộ đếm giờ “nhanh như chớp” và các checkpoint “xa rời thực tế”, tạo cảm giác như để thử thách sự kiên nhẫn của người chơi. Một mặt nó giúp nhân vật tránh được hàng loạt các cạm bẫy bằng cách dùng “kim thiền thoát xác” đi tìm lối tắt, nhưng về sau lại xuất hiện thêm những chủ thể che kín mặt như “ninja Lead”, có thần thái không hề kém cạnh trong việc gây ức chế cho người chơi. Nếu không tương tác “tay bắt mặt mừng” với các nhân vật này từ trước, bạn không có cách nào cướp xác của họ khi đã xuất hồn cả và thế là “toang”.
Ở góc độ người chơi, tôi nghĩ ý đồ của nhà phát triển la2 muốn biến cuộc phiêu lưu trong cõi địa ngục trở thành cạm bẫy khổng lồ, mang tính thử thách linh hồn của nhân vật chính. Thế nhưng, có cảm giác họ đã làm quá tay hay tệ hơn là còn non tay trong thiết kế game, dẫn đến những pha đi hành động lén lút đôi khi cực kỳ ức chế. Nếu so sánh với địa ngục được xây dựng khá ấn tượng trong Agony, sự chênh lệch giữa chất lượng của các cơ chế gameplay và không gian màn chơi thể hiện khá rõ nét. Đây cũng là điểm trừ lớn nhất trong trải nghiệm game từ bản PC, nhưng nó thuộc về thiết kế gameplay cốt lõi nên không có cách nào khắc phục ngoại trừ “đập đi xây lại”.
Vấn đề ở chỗ, đó là nhiệm vụ bất khả thi trên các hệ console do vấn đề kiểm duyệt nội dung từ chủ quản các nền tảng này. Bù lại, Agony phiên bản Switch cũng đi kèm với hai chế độ chơi Agony và Succubus cho những ai chưa cảm thấy thỏa mãn với Story, phần chơi vốn đã có giá trị chơi lại tương đối cao với nhiều kết thúc khác nhau tùy vào trải nghiệm của người chơi. Trong đó, Agony mang đến trải nghiệm mở rộng với màn chơi được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán, có tính thử thách cao thông qua việc thu thập và tranh đua điểm số. Ngược lại, Succubus là chế độ chơi tương đối ngắn với “câu chuyện bên lề” về một nhân vật succubus, có lẽ mục đích để quảng bá cho Succubus sắp ra mắt của nhà phát triển Madmind Studio.
Sau cuối, Agony phiên bản Switch mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn thiếu một sự trau chuốt mà lẽ ra tựa game này xứng đáng được nhận. Bạn có thể rất thích trò chơi vì kiến thiết địa ngục khá ấn tượng, nhưng đồng thời cũng có thể rất ghét nó vì cảm giác ức chế trong trải nghiệm do xây dựng các cơ chế gameplay đậm nét “old-school”, nên khá kén người chơi. Tuy đây vẫn là một cái tên rất đáng cân nhắc, nhưng chắc chắn nó không phù hợp với nhiều đối tượng người chơi vì nhiều lý do, mà một trong số đó là chất liệu hình ảnh xuyên suốt trải nghiệm game.
Agony được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác