Age of Empires Mobile mang đến cho tôi một trải nghiệm khá tệ, dù trò chơi sở hữu đồ họa đẹp tuyệt trên nền tảng di động. Tuy nhiên, cảm xúc tồi tệ này có thể là do tôi rất hiếm chơi game trên mobile, đặc biệt là thể loại tương tự đòi hỏi nhiều yếu tố quản lý vi mô trên màn hình cảm ứng nhỏ xíu. Mặt khác, không thể phủ nhận dòng game này cũng không phù hợp với nền tảng di động, đó là tôi xét đến lối chơi chiến thuật theo thời gian thật của series này trên nền tảng PC từ năm 1997 đến gần đây. Cụ thể là Age of Empires IV, phần chơi ra mắt năm 2021. Không tính bản spin-off Age of Mythology: Retold mới ra mắt hồi tháng 9 năm nay mà tôi chưa có cơ hội trải nghiệm.
Đồ họa ấn tượng là điều không cần bàn cãi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Trên iPhone 15, trò chơi sở hữu đồ họa đẹp tương đương chất lượng trên PC và thế hệ console hiện tại. Mức độ chi tiết cao đến ấn tượng khi tôi phóng to vào những công trình trên màn hình. Thế nhưng, tôi có cảm giác Age of Empires Mobile được tối ưu cho trải nghiệm trên máy tính bảng hơn. Chữ tí nị đã đành mà ngay cả các biểu tượng trên màn hình cũng nhỏ xíu. Tuy chúng không khiến việc tương tác trở nên quá khó khăn nhờ thiết kế có tính cầm tay chỉ việc cực cao, nhưng mọi thứ trở nên rối như canh hẹ khi toàn màn hình tràn ngập những biểu tượng tương tác các yếu tố quản lý.
Nhân vật chính của câu chuyện kể trong Age of Empires Mobile là Josephine, một cô gái thuộc dòng dõi hoàng gia phải chạy loạn sau khi vị hoàng đế của vương quốc là cha cô bị sát hại. Theo lời trối của cha, “tiểu thư hoàng tộc” phải tìm thanh kiếm thánh và tái thiết đế chế của phụ vương từ một nơi xa xôi hẻo lánh. Ban đầu, trải nghiệm game mang khá nhiều cảm giác quen thuộc từ những game Age of Empires kinh điển ngày xưa với các thao tác kéo thả trên màn hình, nhưng không lâu sau đó mọi thứ xoay 180 độ.
Cái khác lớn nhất là chẳng có Age of Empires ở đây nữa dù chỉ là cảm giác mơ hồ. Toàn bộ trải nghiệm chuyển sang lối chơi xây thành phố nhàm chán. Mô tả ngắn gọn thì Age of Empires Mobile như phiên bản mini của tựa game 8 năm tuổi Sid Meier’s Civilization VI tính đến thời điểm bài viết. Tuy đồ họa của bản mobile này ấn tượng hơn cái tên vừa đề cập, nhưng lối chơi được nhà phát triển TiMi điều chỉnh theo hướng cầm tay chỉ việc rất cao. Các yêu cầu nhiệm vụ không khác nhau mà còn nặng tính lặp lại để “bào” người chơi.
Khía cạnh xây thành phố chủ yếu xoay quanh hành động chạm tay vào các yêu cầu nhiệm vụ. Khi đó, hàng loạt tương tác sẽ hiện ra lần lượt theo thứ tự với dấu báo có tính cầm tay chỉ việc. Nói cách khác, người chơi chỉ việc chạm tay lên những gì có dấu báo hiện lên để tương tác như một cái máy. Thậm chí chẳng cần đọc xem yêu cầu nhiệm vụ đó là gì. Rất giống các trải nghiệm game idle, dù đòi hỏi yếu tố tương tác nhiều hơn một chút. Cũng không sai khi nói trải nghiệm game chỉ dừng ở mức độ bán tự động.
Người chơi không cần vò đầu bứt tóc nghĩ xem phải xây công trình ở đâu như Frostpunk 2 hay Endzone – A World ApartL Survivor Edition. Những tựa game đó quá phức tạp so với trải nghiệm mà đội ngũ TiMi mang đến. Không cần phải nghĩ gì. Chỉ cần yêu tương tác thôi. Yêu là đủ! Các công trình trong game đều được định sẵn vị trí xây và bạn chỉ cần chạm vào biểu tượng hoặc khung chữ hiện ra. Mọi thứ đã có Age of Empires Mobile lo, người chơi chịu tương tác duy trì thời gian trong game hoặc móc ví ra đếm tiền thanh toán là được.
Điểm nổi bật ở khía cạnh này là một loạt các nhân vật legendary hero mà bạn có thể mở khóa. Mỗi nhân vật đều có một đoạn clip giới thiệu chi tiết rất sang chảnh với giọng nói bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Tôi chỉ hơi ngỡ ngàng đến bật ngửa khi thấy một trong số đó là Hua Mulan được Age of Empires Mobile rao bán với mức giá vô cùng rẻ là 0,99USD. Vâng, bạn đọc chính xác đấy vì các nhân vật legendary hero đều được bán như mua bó rau ngoài chợ với lời quảng cáo đầy hứa hẹn về khả năng chinh chiến của họ trong trải nghiệm.
Tất nhiên là tôi không mua và bắt đầu tìm hiểu rõ hơn về yếu tố microtransaction trong game. Age of Empires Mobiles có không ít yếu tố này. Chính xác là nhiều vô số kể. Gần như mọi thứ đều có thể bỏ tiền tươi ra mua để tăng khả năng hỗ trợ, giúp người chơi giải quyết nhanh gọn lẹ vấn đề “mâu thuẫn” giữa các phe phái trong game. Ngay cả xây dựng công trình hay tạo quân cũng vậy. Trò chơi có hệ thống thời gian chờ từ vài phút đến tận vài tiếng, đủ để bạn phải tìm giải pháp rút ngắn thời gian bằng cách rút hầu bao.
Bên cạnh đó, Age of Empires Mobile cũng hỗ trợ bạn hết mình ở thời điểm ban đầu khi cung cấp những phần thưởng là các vật phẩm giúp giảm thời gian chờ. Đội ngũ phát triển TiMi thậm chí còn thiết kế hệ thống này một cách khéo léo để cho phép người chơi tự động hóa việc sử dụng những vật phẩm nói trên, thay vì mỗi lần phải xác nhận lại rất mất thời gian. Tôi còn chưa nói để tạm thời vô hiệu hóa tính năng tự động đó, bạn thậm chí còn mất nhiều thời gian để tương tác trên màn hình nhỏ xíu của điện thoại hơn.
Vấn đề ở chỗ, Age of Empires Mobile mang đến một cảm giác hào nhoáng ban đầu để dụ người chơi duy trì thời gian chơi game liên tục. Và nhà phát triển TiMi làm điều đó bằng cách gần như chẳng giải thích bất kỳ điều gì về cơ chế điều khiển lẫn gameplay. Hầu như mọi thứ mà tôi làm chỉ là chạm tương tác theo những dấu báo xuất hiện trên màn hình như cái máy, trước cả khi kịp đọc ý nghĩa của chúng là gì. Khi tôi bắt đầu chán việc để game chơi thay vì chơi game, trò chơi lại chuyển màn hình sang cơ chế gameplay khác là Glorious Voyage.
Một tàu chiến sẽ đưa bạn đến một hòn đảo ngẫu nhiên nào đó và tham gia vào chiến trận một cách tự động, như Romance of the Three Kingdoms XIV mà đơn giản hơn. Không có hệ thống theo lượt hay bất cứ thứ gì phức tạp. Người chơi chỉ kéo quân về một vị trí mong muốn trên chiến trường được thiết kế như bàn cờ, chạm vào biểu tượng hai thanh kiếm giao nhau là xong. Kết quả sau đó sẽ diễn ra hoàn toàn tự động và thắng hay thua nhanh chóng được phân định. Điều in sâu vào tai tôi là câu ‘For the Empire’ mà nhân vật gào lên.
Cứ độ chục giây khi cuộc chiến đang “tự biên tự diễn”, Josephine lại hét vang khiến tôi cứ ngỡ đang điều khiển anh Titus chiến đấu trong Warhammer 40000: Space Marine 2. Và tôi còn phải mất thời gian xem các đơn vị quân “giả vờ” chiến đấu với nhau thông qua hoạt động khua vũ khí đến khi một bên thắng trận. For the Empire! Thế đã đủ tệ chưa? Vẫn chưa. Sau đó không lâu, Age of Empires Mobile mở thêm tính năng mới khi đưa người chơi ra các trận chiến nơi tiền tuyến trên bản đồ thế giới và gây chiến với vài bộ tộc vô danh nào đó.
Ở thời điểm này, tôi đã chơi đến Chapter 13 và vấn đề thiếu tài nguyên để hoàn thành các yêu cầu nhiệm vụ trở nên rất trầm trọng. Đặc biệt khi thời gian hoàn thành các nhiệm vụ tưởng chừng rất đơn giản như thăng cấp cho một công trình nào đó, lại trở nên khó khăn hơn. Đã vậy, thời gian chờ cũng ngày càng kéo dài theo các lần tăng cấp của công trình. Nếu không sử dụng vật phẩm giúp “tua nhanh” hoặc vật phẩm bổ sung khẩn cấp tài nguyên, lúc này sẽ là dấu ba chấm cho trải nghiệm Age of Empires Mobile với không ít người chơi.
Minigame câu cá rất hài hước đã đành, cố lê lết trải nghiệm chút nữa để bài viết có tâm nhưng TiMi lại càng khiến tôi mất dần kiên nhẫn. Sau cuối, Age of Empires Mobile mở thêm chế độ chơi Battlefield Survivor nhưng nó lạ lắm. Không giống series Battlefield mà tôi vẫn biết. Giống Vampire Survivors đình đám gần đây hơn. Đến lúc này thì tôi không còn đủ kiên nhẫn nữa và quyết định bỏ cuộc, mặc kệ miệng đời hay ai nói gì. Tôi từ chối hiểu tựa game này hướng đến đối tượng người chơi nào, nhưng chắc chắn không phải dành cho tôi!
Age of Empires Mobile hiện có cho iOS và Android.