Moonlighter mang đến một trải nghiệm hấp dẫn tuyệt vời khi kết hợp hoàn hảo hai thể loại vốn chẳng liên quan gì với nhau trong cùng một trò chơi.
Sau gần nửa năm phát hành trên nhiều nền tảng khác, đến nay người chơi Nintendo Switch mới được trải nghiệm tựa game hấp dẫn và dễ gây nghiện này. Trò chơi đưa bạn đến với anh chàng Will được thừa kế một cửa hiệu có tên là Moonlighter từ người cha quá cố ở thị trấn nhỏ Rynoka. Từ một thị trấn ít người và nghèo khó, người chơi sẽ phải cùng Will xây dựng nên một nơi trù phú và giàu đẹp, nhưng trên hết đây không phải là một trải nghiệm xây dựng thị trấn và quản lý tài nguyên như game Townsmen mà bạn có thể lầm tưởng.
Thay vào đó, trò chơi mang nặng yếu tố đi động đánh quái săn đồ như một phần trải nghiệm quen thuộc trong những tựa game nhập vai. Kết hợp với yếu tố này là trải nghiệm phát triển việc giao thương kiếm tiền, dùng tiền đó để đầu tư cho các cửa tiệm khác lẫn cá nhân trong thị trấn, phục vụ ngược lại cho nhu cầu trang thiết bị tốt để đi động đánh quái. Mới nghe có vẻ phức tạp và nặng tính lặp lại, nhưng kỳ thực những gì bạn trải nghiệm lại hấp dẫn và đơn giản hơn bạn tưởng tượng nhiều. Phần phức tạp nằm ở một yếu tố khác có thể gây rất nhiều bất ngờ cho những ai lần đầu trải nghiệm.
Với phong cách đồ họa pixel tưởng chừng không thu hút, nhưng Moonlighter vẫn gây được ấn tượng đẹp cho một người vốn không phải fan của kiểu đồ họa này như tôi. Trò chơi có cách phối màu khá tươi sáng và rực rỡ vào ban ngày, trong khi ban đêm lại vận dụng khéo léo những gam màu tối hơn, tạo sự khác biệt không gian rất lớn. Từ cửa hàng Moonlighter của người chơi cho đến cả thị trấn Rynoka hay các hang động với những chủ đề khác nhau mà bạn phải khám phá, tất cả đều trông khá đẹp mắt với rất nhiều màu sắc. Tôi thích nhất là dựng hình của những con boss khổng lồ trông không những rất “bá đạo” mà còn rất “bựa”, nhìn rất buồn cười.
Về cơ bản, Moonlighter có hai trải nghiệm chính kết hợp với nhau hết sức hoàn hảo, đi cùng hàng loạt cơ chế đơn giản nhưng pha trộn khéo léo khiến trải nghiệm càng chơi càng hấp dẫn hơn. Khi đêm đến thì người chơi sẽ điều khiển Will đi động đánh quái, khám phá để tìm những món đồ có giá trị. Vào buổi sáng thì làm “gian thương” và bán những món đồ quý giá mà bạn kiếm được trước đó. Số tiền kiếm được sau đó sẽ được dùng để thay đổi bộ mặt và cuộc sống của thị trấn Rynoka, nhưng càng về sau thì chủ yếu để tân trang cửa tiệm và nâng cấp trang bị mạnh hơn cho những chuyến “săn kho báu” của nhân vật chính.
Hệ thống chiến đấu của Moonlighter được thiết kế rất tốt, dễ dàng trải nghiệm và tôi không gặp bất cứ vấn đề gì. Nhà phát triển đã tập trung rất hợp lý vào khả năng di chuyển chính xác và tung ra những đòn tấn công đúng thời điểm. Chính lối thiết kế này đã biến trải nghiệm chiến đấu diễn ra khá khẩn trương trong một thời gian ngắn. Yếu tố phần thưởng và rủi ro được thiết kế rất cân bằng trong trải nghiệm, kích thích người chơi cân nhắc giữa việc khám phá và chiến đấu để kiếm được nhiều đồ ngon có giá trị, trong khi cũng đồng thời đưa ra hình phạt hợp lý mà không quá khắt nghiệt mỗi khi bạn “sa cơ lỡ vận”.
Trải nghiệm làm “gian thương” thì ngược lại, mang đến cảm giác thư giãn nhiều hơn như một cách để cân bằng với yếu tố đi động đánh quái khá khẩn trương nói trên. Mặc dù đây không phải là lần đầu trải nghiệm Moonlighter nhưng ngay cả khi chơi lại, tôi vẫn thường xuyên vô tình “bán phá giá” hết sức đau lòng vì có quá nhiều vật phẩm để nhớ đúng giá. Câu “người mua lầm chứ người bán không lầm” có vẻ không đúng lắm trong trường hợp này. Bởi lẽ người chơi có toàn quyền định giá cho những vật phẩm mà bạn bán, nhưng mức giá đó có phù hợp hay không thì chỉ có khách hàng mới là người quyết định, thể hiện bằng những phản ứng khác nhau để báo cho bạn biết mà kịp thời điều chỉnh.
Tuy phần lớn số tiền mà bạn kiếm được sử dụng cho việc nâng cấp cho các chuyến đi động săn chiến lợi phẩm của nhân vật, nhưng kỳ thực cả hai trải nghiệm chính của Moonlighter giống như cộng sinh với nhau, rất khó để có thể tách rời chúng. Điều này dễ thấy nhất khi càng về sau trong trải nghiệm, một khi người chơi làm tốt yếu tố này thì lập tức phần trải nghiệm còn lại cũng sẽ có sự tác động ngay. Cụ thể, đi động săn càng nhiều đồ có giá trị thì bạn kiếm càng được nhiều tiền. Tiền kiếm được sau đó dùng để phát triển thị trấn bằng cách mở nhiều cửa hàng mới hoặc nâng cấp cho cửa hàng riêng. Các cửa hàng này lại cung cấp cho bạn tiền, hoặc những trang thiết bị và các nâng cấp mạnh cho những chuyến đi động đánh quái, cũng như boss để mở khóa “kho báu cuối cùng”.
Thế nhưng, phần khó khăn nhất trong trải nghiệm không phải là việc đi động đánh quái mà nằm ở yếu tố quản lý hành trang vốn có số lượng lưu trữ cực kỳ hạn chế. Ngoài giá trị khác biệt, nhiều vật phẩm mà bạn nhặt được khi đánh quái trong động cũng có một số điều kiện riêng, có thể gây ảnh hưởng lớn đến mức phá hủy một vật phẩm khác trong hành trang. Đơn cử như có vật phẩm khi đặt vào hành trang sẽ phá hủy một vật phẩm theo hướng nhất định khi bạn sử dụng Merchant Pendant để quay về thị trấn. Hay có vật phẩm có thể làm biến đổi vật phẩm khác khi nằm cạnh nhau v.v…
Chưa hết, Moonlighter còn có thêm “kính hóa vàng” để biến mọi vật phẩm mà bạn ném vào đó thành tiền vàng. tuy nhiên, số tiền này khá nhỏ so với giá trị mà bạn kiếm được khi mang về thị trấn để bán. Vấn đề ở chỗ, trong khi hành trang có sức chứa hết sức hạn hẹp, một chuyến đi động có thể kéo dài ngoài mong đợi khi người chơi “vô tình lượm được bí kíp” và tìm được đến những tầng cao hơn trong động. Kết hợp với các vật phẩm có điều kiện, cơ chế quản lý hành trang của Moonlighter buộc bạn phải luôn cân bằng sao cho hiệu quả nhất giữa lợi ích cá nhân và yếu tố tài chính. Đây mới là yếu tố gây nhiều khó khăn cho người chơi trong suốt thời gian trải nghiệm.
Nói gì thì nói, Moonlighter tất nhiên cũng không phải hoàn hảo. Vấn đề lớn nhất của trò chơi là cốt truyện không có gì đặc sắc, đặc biệt là các NPC có rất ít lời thoại thay đổi để tạo sự sống động khi cuộc sống thị trấn Rynoka thay đổi trù phú hơn. Đã vậy, trò chơi còn có một số lỗi gây bực mình. Một trong số đó là nhiều khi hệ thống không cập nhật “giá tốt” vào sổ tay bán hàng của Will, gây mất thời gian khi buộc bạn phải điều chỉnh lại vài lần giá bán một vật phẩm cũ nào đó để có giá bán hợp lý. Thế nhưng, đáng tiếc nhất là trải nghiệm càng về sau càng mang nặng yếu tố cày cuốc, có thể khiến một số người chơi cảm thấy nhàm chán ở giai đoạn gần cuối trò chơi.
Sau cuối, Moonlighter thật sự mang đến một trải nghiệm “hai trong một” hấp dẫn với nhiều cơ chế khá tinh tế. Phiên bản Nintendo Switch là một lợi thế rất lớn dành cho người chơi nền tảng này, với khả năng cơ động đặc trưng hết sức phù hợp với trải nghiệm ngắn lẫn kéo dài của trò chơi. Trò chơi tuy có chút vấn đề với tốc độ khung hình không ổn định trong một số phân đoạn, nhưng không đến mức nghiêm trọng đáng chú ý. Trong khi đó, đồ họa pixel của game có độ chi tiết cao và chất lượng khá ấn tượng, kết hợp với phần nhạc nền “tuyệt đỉnh” mang đến không khí rất phù hợp với từng phân đoạn trải nghiệm của trò chơi. Nếu muốn tìm một tựa game để bạn có thể dành vài chục tiếng trải nghiệm thì đây là một cái tên rất đáng chú ý.
Moonlighter được phát hành cho Windows, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!