9 thủ thuật sau tuy cơ bản nhưng lại khá cần thiết đối với người lần đầu làm quen điện thoại iPhone. Thủ thuật cũng áp dụng được cho cả iPad.
1. Làm quen màn hình chủ và màn hình khoá
Màn hình chủ trên giao diện iPhone khá đơn giản, gồm toàn bộ biểu tượng các ứng dụng đã cài đặt sắp xếp theo dạng khung lưới. Bạn có thể sắp xếp lại vị trí các biểu tượng ứng dụng bằng cách chạm giữ vào biểu tượng bất kỳ cho đến khi thấy các biểu tượng trên màn hình trở nên “rung rinh” thì kéo thả biểu tượng đang chọn đến nơi tuỳ ý.
Nếu muốn gom nhiều biểu tượng ứng dụng có liên quan vào thành từng thư mục riêng cho dễ quản lý, bạn cũng thực hiện tương tự như trên, nhưng kéo thả biểu tượng đang chọn vào một biểu tượng khác cần gom nhóm. Ngay sau đó sẽ có thư mục được tạo ra gồm hai ứng dụng vừa nhập vào. Bạn kéo thả thêm nhiều ứng dụng khác vào thư mục đã có để bổ sung chúng vào nhóm.
Để thay đổi hình nền cho màn hình chủ và cả màn hình khoá, bạn vào Settings > Brightness & Wallpaper > nhấn khung Wallpaper và chọn đến một trong các hình nền được cung cấp sẵn.
Ở màn hình xem trước hình nền hiện ra, bạn nhấn Set > chọn Set Both để áp dụng hình nền ấy cho màn hình chủ lẫn màn hình khoá. Nếu chỉ muốn áp dụng hình nền cho màn hình khoá, bạn chọn Set Lock Screen, tương tự, chọn Set Home Screen để chỉ áp dụng riêng cho màn hình chủ.
Nếu muốn dùng ảnh cá nhân từ thư viện trên máy làm hình nền, bạn vào ứng dụng Photos, chọn đến ảnh cần dùng > nhấn biểu tượng ở góc trái phía dưới màn hình > chọn mục Use as wallpaper ở hộp thoại hiện ra. Kế đến, bạn dùng tay co giãn khung chữ nhật trên màn hình để chọn phạm vi ảnh cần cắt ra làm hình nền > nhấn Set rồi chọn áp dụng hình nền cho màn hình chủ hay màn hình khoá tùy nhu cầu.
Kể từ phiên bản iOS 7, Apple đã thực hiện nhiều thay đổi trên giao diện iOS, gồm hình nền, biểu tượng và các hiệu ứng động. iOS 7 cũng hỗ trợ cử chỉ người dùng tốt hơn. Bạn có thể dùng tay vuốt màn hình từ mép trái sang phải để trở về màn hình trước đó. Ví dụ, từ màn hình Settings > Brightness & Wallpaper, bạn đưa tay vào mép trái màn hình và vuốt sang phải để quay ra màn hình Settings.
Đáng chú ý ở giao diện iOS 7 là sự bổ sung bảng điều khiển Control Center chứa các phím cho phép bạn bật/tắt nhanh các chế độ thường dùng, ví dụ như bật/tắt Wi-Fi, Bluetooth, bật chế độ máy bay (Airplane Mode), bật đèn pin, la bàn, máy tính,… Để mở ra thanh Control Center, bạn chạm vào mép dưới màn hình và vuốt lên trên.
2. Quản lý thanh thông báo (Notification Center)
Bạn vuốt nhẹ màn hình từ mép trên xuống dưới để mở ra bảng Notification Center chứa danh sách các thông báo mới nhất từ những ứng dụng đang cài, hay thông báo về lịch làm việc, tin nhắn, cuộc gọi nhỡ.
Nếu có những ứng dụng ít khi dùng đến và không muốn chúng hiển thị thông báo lên Notification Center gây rối mắt, bạn tắt chế độ hiển thị thông báo đối với những ứng dụng ấy, bằng cách vào Settings > Notifications > nhấn vào tên ứng dụng dưới trường In Notification Center > chọn OFF tại dòng Notification Center.
Bên cạnh đó, trên Notification Center còn có hai widget chứa thông tin thời tiết và chứng khoán để bạn theo dõi dễ dàng. Mặc định, widget thời tiết sẽ hiển thị nhiệt độ ở hai thành phố New York và Cupertino (Mỹ).
Nếu muốn thay đổi thành phố cần cập nhật thời tiết, bạn chạm vào widget thời tiết. Ở màn hình kế tiếp, bạn chọn biểu tượng hình dấu chấm than ở góc phải > nhấn nút hình dấu cộng và gõ tên thành phố đang sinh sống vào khung trống (ví dụ: Ho Chi Minh, Hanoi). Hệ thống sẽ bổ sung thành phố vừa gõ vào danh sách cập nhật thông tin thời tiết. Bạn nhấn biểu tượng hình dấu trừ màu đỏ để xoá bớt đi những thành phố không cần thiết. Xong, nhấn Done để lưu lại. Từ giờ, widget chỉ hiển thị thời tiết ở những thành phố đã thiết lập.
Nếu không cần thiết, bạn có thể làm ẩn hai widget thời tiết và chứng khoán ra khỏi Notification Center, bằng cách vào Settings > Notifications > lần lượt chọn hai mục Weather Widget và Stock Widget > chọn OFF tại dòng Notification Center.
3. Bật kết nối và các chế độ thường dùng
Như đã nhắc đến ở mục trên, iOS 7 bổ sung bảng điều khiển Control Center chứa các phím cho phép bạn bật/tắt nhanh các kết nối và chế độ thường dùng. Bạn chỉ việc chạm vào các biểu tượng bảng điều khiển để bật/tắt tính năng tương ứng.
Đối với các phiên bản từ iOS 6 trở về trước, bạn phải vào Settings và chọn bật/tắt từng tính năng. Cụ thể, để bật Wi-Fi, bạn vào mục Wi-Fi > bật ON tại dòng Wi-Fi để hệ thống dò tìm những điểm phát Wi-Fi hiện có. Sau đó, bạn chỉ việc chọn vào tên điểm muốn kết nối và nhập mật khẩu truy cập nếu cần. Bạn thực hiện tương tự đối với kết nối Bluetooth.
iOS còn có hai chế độ khá hay là Airplane Mode và Do Not Disturb. Ở Airplane Mode, hệ thống sẽ ngắt toàn bộ các kết nối trên thiết bị gồm Wi-Fi, 3G, Bluetooth và cả mạng di động 2G nên bạn cũng không thể gọi điện hay nhắn tin được. Khi đang ở trên máy bay hay khi cần tắt máy trong một thời gian, bạn bật ON tại mục Airplane Mode ở màn hình Settings để kích hoạt chế độ nầy.
Ở chế độ Do Not Disturb, hệ thống sẽ rơi vào trạng thái im lặng, không hiển thị các thông báo từ ứng dụng hay reo chuông mỗi khi có tin nhắn, cuộc gọi đến. Bạn bật ON tại mục Do Not Disturb ở màn hình Settings để kích hoạt chế độ. Bạn có thể hẹn giờ kích hoạt Do Not Disturb tự động bằng cách vào Settings > Notifications > Do Not Disturb > bật ON ở dòng Scheduled rồi quy định thời gian từ From đến To.
4. Thiết lập ngôn ngữ, ngày giờ hệ thống
iPhone sẽ sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh làm mặc định. Nếu muốn chuyển sang ngôn ngữ khác, chẳng hạn tiếng Việt, bạn vào Settings > General > International > Language > chọn Tiếng Việt. Bên cạnh ngôn ngữ hiển thị, bạn vào mục Region Format để chuyển các định dạng ngày, tháng, tiền tệ,… sang kiểu định dạng của Việt Nam.
Về ngày, giờ, nếu thiết bị có kết nối internet, hệ thống sẽ tự động lấy thông tin ngày, giờ từ một đồng hồ trực tuyến trên internet để cho độ chính xác cao nhất. Bạn vào Settings > General > Date & Time > kiểm tra xem mục Set Automatically có đang bật ON hay chưa. Nếu có, tức là đồng hồ trên hệ thống đang được đồng bộ trực tuyến. Trong trường hợp muốn tự chỉnh ngày, giờ bằng tay, bạn nhấn OFF tại mục Set Automatically. Kế đến, bạn chọn múi giờ tại mục Time Zone rồi vào Set Date & Time để chỉnh ngày, giờ theo cách thủ công.
5. Thiết lập bàn phím
Bàn phím trên iPhone sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh nên nếu muốn gõ dấu tiếng Việt, bạn cần bổ sung thêm ngôn ngữ tiếng Việt bằng cách vào Settings > General > Keyboard > nhấn Keyboards > Add New Keyboard… rồi tìm đến ngôn ngữ Vietnamese ở cuối danh sách.
Bạn thực hiện tương tự để thêm nhiều ngôn ngữ khác cho bàn phím. Sau đó, khi gõ phím, bạn chạm vào phím có hình quả địa cầu (bên trái phím khoảng trắng) để chuyển đổi qua lại giữa các ngôn ngữ cho bàn phím.
Mặc định, tính năng kiểm tra lỗi chính tả khi gõ văn bản đã được kích hoạt sẵn trên iPhone để giúp sửa lỗi từ tự động khi bạn gõ sai. Tuy vậy, tính năng này chỉ hiệu quả đối với văn bản tiếng Anh. Do vậy, nếu dùng tiếng Việt, bạn tắt tính năng tự động sửa từ gõ sai chính tả của bàn phím, bằng cách vào Settings > General > Keyboard > nhấn OFF tại cả hai dòng Auto-Correction và Check Spelling.
Để giúp người dùng nhập liệu nhanh hơn khi gõ phím, iPhone cho phép tạo danh sách các từ viết tắt. Ví dụ, thay vì gõ cả cụm từ “On my way!”, bạn chỉ cần gõ “omw”, hệ thống sẽ tự động thay từ “omw” vừa gõ bằng cụm “On my way!” đầy đủ. Để tạo danh sách những cụm từ muốn viết tắt, bạn nhấn nút Add New Shortcut… dưới trường Shortcuts. Ở màn hình kế tiếp, bạn nhập cụm từ muốn viết tắt vào ô Phrase, kèm theo từ viết tắt tương ứng vào ô Shortcut. Xong, bạn nhấn Save lưu lại và thử dùng bàn phím gõ từ viết tắt đã tạo để kiểm tra kết quả.