Yaga là tựa game hành động nhập vai khá hấp dẫn khi khai thác văn hóa dân gian Slav và tín ngưỡng Pagan cổ đại trong một câu chuyện kể tăm tối và hài hước. Tất cả còn được hậu thuẫn với nhạc nền hip-hop của Romani và phong cách đồ họa 2D vẽ tay cực kỳ ấn tượng.
Trong Yaga, người chơi bắt đầu với nhân vật chính vốn được xem là hình tượng điển hình thời này của hai chữ “nghiệp quật”. Trong một pha “sinh nghề tử nghiệp”, nhân vật chính không may cụt một tay và bị nhà vua đáng khinh lừa phỉnh để thế mạng thay cho hắn sau khi “dính chưởng” phải lời nguyền của bà phù thủy xấu xa Baba Yaga trong câu chuyện “giả ăn mày và cái kết”. Bạn nào từng chơi Rise of the Tomb Raider: 20 Year Celebration có lẽ sẽ không lạ gì cái tên này, nhưng đó là một câu chuyện khác.
Về bản chất, Ivan là một người thợ rèn tài ba, mang nhiều “phẩm chất” của một FA lâu năm đúng nghĩa: vừa già vừa xấu trai, bụng bia, đầu hói, chưa kể lại còn ngu ngơ và dễ tin người. Nhân vật này được tạo hình với vẻ mặt luôn trong trình trạng như đang lo lắng hay hoảng sợ một điều gì đó, tạo cho tôi cảm giác không đáng tin cậy. Sau khi nghe nhà vua rủ rỉ rù rì vài câu, Ivan đã bỏ công sức băng qua những đầm lầy đen kịt, cánh đồng lúa khổng lồ cho tới những ngọn núi tuyết hay nghĩa địa u ám để hoàn thành “sứ mệnh” của mình. Thế nhưng, tất cả những điều đó không đáng sợ bằng câu nói “hết hồn chim én” từ bà của Ivan: bao giờ lấy vợ?
Trải nghiệm Yaga sẽ kém phần hấp dẫn nếu không có hệ thống “nghiệp quật”. Trong đó, Ivan sẽ có nhiều lựa chọn khi tương tác với các NPC, những người cần đến sự giúp đỡ của anh trong những tình huống không biết nhờ ai. Người chơi được toàn quyền quyết định câu trả lời, nhận lời hay từ chối giúp đỡ, nhưng mọi “lời nói gió bay” đều có “khẩu nghiệp” nên bạn cũng đừng vội xem nhẹ vấn đề này. Thậm chí, nói không sai khi đây là hệ thống được nhà phát triển thiết kế khéo léo vào trải nghiệm game mà không tạo cảm giác khiên cưỡng, mang đến giá trị chơi lại cao và sự hào hứng cho người chơi trong việc xây dựng cá tính cho nhân vật của mình. Mỗi lựa chọn đều có tác động đến trải nghiệm theo cách này hay cách khác.
Tuy nhiên, mặc dù bạn có thể lựa chọn tùy ý hay thậm chí tùy tiện, nhưng những lựa chọn khác với “tính cách thật” của nhân vật sẽ phải trả giá bằng điềm gở được thiết kế để phá hoại trải nghiệm của người chơi, từ “buff” cho kẻ thù đến “nerf” luôn cả Ivan. Bạn còn nhớ bà phù thủy Baba Yaga chứ? “Đỉnh cao tội ác” gieo rắc những cơn ác mộng cho người chơi đấy! Về cơ bản, một khi bạn nhận đủ “khẩu nghiệp”, “bà già gân” này sẽ xuất hiện và chôm của bạn “một ít” tiền và phần lớn các trang bị. Ở cái thế giới chẳng có ông bụt hay bà tiên nào bảo vệ người dân cô thế như trong Yaga, tùy vào những quyết định của người chơi mà cơ hội để Ivan gặp lại “kẻ cướp” là vô số kể, nhưng khả năng lấy lại những gì bị cướp là bằng không. Đắng lòng thế đó.
Vấn đề ở chỗ, đôi lúc bạn cũng chẳng biết được một hành động nào đó chứ không chỉ là những lựa chọn đối thoại lại gián tiếp dẫn đến điềm gở “vô cực”, khiến bà phù thủy xấu hơn cả “hot girl” xuất hiện và đòi “trao hết cho tao”. Kỳ thực, cho dù bạn chơi cẩn thận cách mấy cũng sẽ đụng độ “lão bà bà” Yaga ít nhất đôi ba lần, khiến việc “tự bảo vệ tài sản” cũng trở thành nhu cầu bức thiết trong trải nghiệm. Tôi thường “chơi chiêu” bằng cách “lột sạch” trang bị quan trọng, chấp nhận vi phạm thuần phong mỹ tục để giảm thiểu thiệt hại, chỉ khổ là không có gì che mặt cho đỡ ngượng khi bị người dân nhận diện. Mất thì vẫn có thể mất nhưng giảm thiệt hại chừng nào hay chừng ấy là điều quan trọng nhất trong trải nghiệm Yaga. 49 gặp 50 há.
Không những tạo ấn tượng về hệ thống “khẩu nghiệp và nghiệp quật”, Yaga cũng khiến tôi cảm thấy hài lòng với hệ thống chiến đấu và nhiệm vụ. Vũ khí của người chơi là búa nhưng lại có khả năng chiến đấu vô cùng đa năng. Bạn có thể dùng búa để tấn công cận chiến nhưng cũng không loại trừ khả năng ném búa “không trượt phát nào” vào mặt kẻ thù, tất nhiên là gây sát thương kha khá và đau điếng đấy. Vũ khí chính thậm chí còn có thể nâng cấp hoặc gắn thêm phụ kiện “không đụng hàng” đầy sáng tạo từ việc thu thập tài nguyên để nâng cao khả năng chiến đấu cho Ivan. Thậm chí, yếu tố nâng cấp vũ khí còn hấp dẫn đến mức khiến bạn sẽ dành rất nhiều thời gian cho nó một cách hào hứng.
Với đẳng cấp thợ rèn của mình, Ivan còn có thể tạo ra những vũ khí phụ khá đa dạng. Tuy nhiên, những trang bị phụ này thường không tạo cảm giác hữu dụng trong trận chiến bằng vũ khí chính, nên tôi thường không sử dụng đến và không tránh khỏi cảm giác thừa thãi. Có thể do tôi đã quá quen với những tựa game có độ khó cao nên không có nhu cầu phụ thuộc quá nhiều vào việc vũ khí phụ cho những tình huống chiến đấu, hoặc đây là thiết kế chủ ý của nhà phát triển để mang đến cho bạn nhiều lựa chọn khác nhau nhằm nâng cao trải nghiệm của mỗi người chơi, tránh trường hợp gò bó người chơi vào một khuôn mẫu trải nghiệm nhất định. Thế nhưng, tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu điều chỉnh các vũ khí phụ gây sát thương tương đương vũ khí chính.
Hệ thống nhiệm vụ cũng là một điểm cộng khác. Thay vì thiết kế những nhiệm vụ “chạy như cún”, đội ngũ phát triển Breadcrumbs Interactive sử dụng hệ thống nhiệm vụ như một cách để mở rộng thêm về nhân vật, địa danh cũng như các thông tin về thế giới game. Tuy nhiên, đôi lúc có cảm giác một số nhiệm vụ và cách dẫn truyện có hơi lạc nhịp, mang cảm giác khiên cưỡng và có phần lặp lại dù không nhiều. Nhìn chung, đây không phải là vấn đề lớn cho lắm, chỉ là cảm giác đôi chỗ thiếu tinh tế, nhưng không đến mức phá hỏng trải nghiệm của người chơi như sai lầm của một số tựa game indie khác hay mắc phải. Mặt khác, trò chơi có cốt truyện khá tăm tối và nặng nề như được lấy cảm hứng từ truyện cổ Grimm nhưng kỳ thực không phải.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Yaga nằm ở phần điều khiển, nhưng còn tùy thuộc vào thiết bị điều khiển của bạn. Cụ thể, trên Apple Arcade thì trải nghiệm game khá ức chế, chơi lâu khá mỏi tay do thiết kế không trực quan lắm. Nếu bạn có tay cầm thì trải nghiệm sẽ tốt hơn rất nhiều. Điều khiển bằng Joy-Con khá tốt và thoải mái trên phiên bản Nintendo Switch mà tôi sử dụng chủ yếu cho trải nghiệm. Tuy nhiên, nếu thuộc kiểu người chơi “mười khó”, bạn sẽ không yêu nổi chuyển động của Ivan. Cảm giác ban đầu chỉ là nhìn cứ thấy có gì đó sai sai nhưng càng trải nghiệm lâu, bạn sẽ càng thấy hơi khó chịu một chút và tăng dần lên. Tôi không rành về kỹ thuật dựng hình chuyển động nhân vật, nhưng nếu nhà phát khắc phục thì trải nghiệm sẽ tốt hơn.
Đồ họa trong Yaga khá ấn tượng và mang nhiều cảm giác lạ lẫm. Nhà phát triển sử dụng những tông màu khá đặc biệt, giao thoa giữa màu sáng và màu tối một cách khéo léo để tạo ra những mảng sáng và tối trong cùng một khung cảnh. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy có một chút cảm giác hơi tăm tối trong đó, không biết có phải do cách vận dụng màu sắc hay do yếu tố thẩm mỹ có chủ ý của nhà phát triển tạo nên. Dù là lý do gì thì đồ họa vẫn là điểm cộng không nhỏ, vì thiết kế hết sức phù hợp với nội dung game nếu bạn chịu khó để ý. Chẳng hạn như từ ngôi làng đi ra là một màu sắc u ám như bức tranh tổng thể của cuộc sống nơi này, nhưng rồi màu sắc chuyển dần sang tươi tắn hơn khi đi xa hơn nhưng vẫn gợn lại chút cảm giác tăm tối trong khung cảnh.
Ngay cả tạo hình nhân vật và kẻ thù cho đến boss cũng dễ nhận thấy sự tinh tế của đội ngũ họa sĩ thiết kế, mang cảm giác rất khác biệt và tách bạch hẳn so với phần lớn những tựa game mà tôi từng trải nghiệm. Bạn sẽ không tìm thấy những hình ảnh 3D như thật từ các game AAA trong Yaga, nhưng từng khung hình trong tựa game này đều có sắc thái rất riêng ở khía cạnh đồ họa, từ tạo hình cho đến cách sử dụng những gam màu để bổ trợ cho câu chuyện kể mang nhiều màu sắc cổ tích và không kém phần đen tối của trò chơi. Hậu cảnh và tiền cảnh cũng vậy, đều có sự tách bạch các chi tiết rõ ràng, không làm rối mắt người chơi. Chưa kể, tạo hình của nhân vật chính cũng rất nổi bật giữa bao khung cảnh cũng là một điểm cộng trong trải nghiệm game.
Sau cuối, Yaga mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai hấp dẫn và hào hứng, vừa thử thách lại vừa thú vị ở những khía cạnh thiết kế game “chuẩn không cần chỉnh”. Nếu yêu thích thể loại này, đây là cái tên chắc chắn phải có trong thư viện game của bạn. Không những vậy, giá trị chơi lại cao với nhiều kết thúc khác nhau cũng là một điểm cộng không hề nhỏ mà tựa game này mang đến cho những bạn yêu thích dòng game này.
Yaga được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch và Apple Arcade (iOS).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác