60 Seconds! Reatomized là phiên bản remaster của tựa game phiêu lưu chiến thuật sinh tồn hài hước 60 Seconds!. Trò chơi sở hữu với lối chơi đơn giản nhưng khá độc đáo, đòi hỏi bạn phải đọc nhiều hơn bất kỳ tựa game sinh tồn nào khác trên thị trường.
Những năm gần đây, thể loại sinh tồn xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường và cạnh tranh nhau khá gay gắt với đủ mọi đề tài, khiến tôi không ít lần cảm thấy ngán ngẫm do sự trùng lắp nhiều yếu tố gameplay của thể loại này trong trải nghiệm. Có lẽ vì vậy mà tôi khá hào hứng với 60 Seconds! Reatomized. Tựa game này đến cảm giác “sau cơn mưa trời lại sáng” giống như sinh viên, học sinh nhắm mắt thấy mùa hè hay người lao động nhắm mắt thấy Tết Nguyên đán tới vậy, nhưng đó là khi bạn không ngại vấn đề trải nghiệm phải đọc nhiều như phần tiếp theo của tựa game này là 60 Parsecs! mà tôi từng chơi trước đó kìa.
So với tựa game gốc 60 Seconds!, bản remaster hỗ trợ đồ họa 4K với artwork sắc nét với những thay đổi nhỏ mang chút cảm giác mới mẻ. Tuy nhiên, ngoài chất lượng đồ họa tốt hơn, những bổ sung khác chủ yếu chỉ cải thiện về mặt nội dung trong trải nghiệm, không có kết thúc mới nào được cập nhật so với tựa game gốc. Điều này ít nhiều sẽ khiến một số người chơi cũ phật lòng. Đáng chú ý nhất là chế độ chơi mới Challenge với những thử thách khá là “trời ơi” về độ khó nhưng vẫn xoay quanh yếu tố gameplay cũ. Ở góc độ người chơi, 60 Seconds! Reatomized có lẽ hướng đến người chơi mới do được phát hành thành một tựa game mới và nhà phát triển miễn phí bản remaster này cho những ai đã sở hữu phiên bản gốc.
Trải nghiệm trong 60 Seconds! Reatomized chia thành hai phần chính. Phần đầu như cái tên của trò chơi, cho bạn 60 giây để chuẩn bị trong không gian màn chơi 3D. Người chơi sẽ điều khiển nhân vật lục tung khắp nhà để tìm những thứ mà bạn muốn mang theo cho cuộc hành trình “sống khổ” sắp tới, bao gồm cả vợ và hai con cùng các nhu yếu phẩm cũng như thứ mà bạn nghĩ là quan trọng. Điều thú vị là ngoài đồ hộp và bình nước, những vật phẩm khác mà bạn có thể thu thập ở khoảnh khắc 60 giây này đều có những công dụng riêng, nhiều khi khá bất ngờ trong trải nghiệm. Mọi quyết định của người chơi ở thời điểm này đều có tác động rất lớn đến toàn bộ phần trải nghiệm sinh tồn chính ngay sau đó.
Tuy nhiên, điểm trừ đầu tiên của trò chơi là 60 giây này mang cảm giác khá lủng củng. Nhân vật phản hồi kém với phần điều khiển của người chơi và thường xuyên va vào các vật thể khiến mọi thứ càng rối tung. Điều này khá ức chế khi đây là thời khắc quan trọng nhất của trải nghiệm, quyết định phần lớn việc thành bại trong trải nghiệm mô phỏng sinh tồn ngay sau đó. Chưa kể, các vật phẩm có thể thu thập tuy được điểm sáng nhưng không rõ ràng mà đòi hỏi bạn phải tinh mắt một chút mới thấy. Tôi nghĩ có lẽ nhà phát triển muốn hướng tới sự hài hước và tăng độ khó nên mới thiết kế như vậy. Thế nhưng, với gameplay đặc trưng của 60 Seconds! Reatomized, có vẻ nó đã tác dụng ngược vì bản thân phần chơi sinh tồn của trò chơi đã rất khó.
Kết thúc 60 giây sẽ là phần chơi thiên về yếu tố sinh tồn với đồ họa 2D. Nghe có vẻ nặng nề nhưng kỳ thực toàn bộ phần trải nghiệm này được thể hiện qua quyển nhật ký, chia sẻ đầy đủ những thông tin cần thiết mà người chơi cần đọc để nắm tình hình. Cảnh nền chỉ để minh họa cho trải nghiệm chứ không có tác dụng gì khác. Bạn sẽ tương tác dựa trên những ghi chép trong nhật ký, như chia khẩu phần ăn và thức uống cho mọi người ra sao, giải quyết các tình huống “trong nhà ngoài phố” thế nào và điều nhân vật “dạo phố” thu thập thêm các nhu yếu phẩm trước khi cạn kiệt. Vấn đề ở chỗ, phần lớn các sự kiện diễn ra trong trải nghiệm game đều là ngẫu nhiên nên người chơi khó lòng chuẩn bị trước mọi thứ, đặc biệt khi giai đoạn 60 giây nói trên khá hỗn loạn.
Mặt khác, tuy trò chơi thường yêu cầu bạn được ra các quyết định liên quan đến sự sinh tồn của mọi người, nhưng kỳ thực người chơi khá bị động trong phần lớn các tình huống phát sinh ngẫu nhiên. Quyết định của bạn luôn gây nhiều bất ngờ với hệ quả sau đó, nhất là vài lần chơi ban đầu. Nhiều tình huống “gắt” khiến tôi tức điên, nhưng sau đó cũng phải bật cười với “tổ lái” biên kịch. Điều này khiến trải nghiệm 60 Seconds! Reatomized mang nhiều cảm giác một tựa game mô phỏng hơn là sinh tồn. Dù vậy, vấn đề lớn nhất của trò chơi là trải nghiệm có quá nhiều chữ, đòi hỏi trình độ tiếng Anh của người chơi phải khá một chút. Nhưng với tiết tấu game chậm rãi theo cách mà bạn muốn, đây có thể xem như một cơ hội để học thêm tiếng Anh rất tốt.
Sau cuối, 60 Seconds! Reatomized mang đến một trải nghiệm mô phỏng sinh tồn khá độc đáo về lối chơi với mối quan hệ nhân quả và yếu tố ngẫu nhiên thú vị, tạo sự kịch tính và giá trị chơi lại khá cao cho trò chơi. Việc trò chơi chia toàn bộ trải nghiệm ra thành từng chế độ chơi riêng biệt, cho phép chơi game theo cách mà bạn muốn cũng là một điểm cộng nhỏ đáng chú ý. Nếu muốn tìm một tựa game sinh tồn dễ chơi, với độ khó có thể tùy chỉnh sao cho phù hợp với mỗi cá nhân, đây là một cái tên rất đáng chú ý nếu bạn chưa từng sở hữu tựa game gốc.
60 Seconds! Reatomized hiện chỉ được phát hành cho PC (Windows, macOS).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm Số
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Những điều cần lưu ý khi chơi 60 Seconds! Reatomized
Mặc dù 60 Seconds! Reatomized có nhiều điểm thú vị và hấp dẫn, nhưng để có trải nghiệm tốt nhất, người chơi cần lưu ý một số điểm sau:
- Học hỏi từ những lần chơi trước: Trò chơi có nhiều yếu tố ngẫu nhiên, vì vậy việc ghi nhớ những gì đã học từ các lần chơi trước sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn cho các tình huống khác nhau trong game.
- Tối ưu hóa việc lựa chọn vật phẩm: Không chỉ chọn đồ hộp và nước, mà bạn cần cân nhắc các vật phẩm có công dụng đặc biệt. Hãy thử nghiệm để khám phá các sự kết hợp và hiệu quả khác nhau giữa các vật phẩm.
- Cân nhắc tần suất đọc văn bản: Nhà phát triển đã thiết kế tựa game với nhiều văn bản và mô tả. Hãy dành thời gian đọc kỹ từng chi tiết để hiểu rõ hơn về các tình huống diễn ra trong game.
- Chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng: Tham gia các diễn đàn hoặc nhóm chơi game để chia sẻ kinh nghiệm và mẹo hay với những người chơi khác. Điều này không chỉ giúp bạn cải thiện kỹ năng mà còn tạo ra một cộng đồng tích cực quanh trò chơi.
Những điểm lưu ý này không chỉ giúp bạn có trải nghiệm tốt hơn mà còn tăng cường khả năng sinh tồn trong game.