Qua nhiều thập kỷ, công nghệ di động đã đi từ khởi điểm 1G (analog), qua 2G (số hóa dữ liệu thoại), đến 3G (di động băng rộng), và 4G (Internet di động). Vậy 5G sẽ mang đến cho chúng ta điều gì?
5G sẽ phục vụ các kết nối “luôn luôn sẵn sàng”. Đầu tiên là di động băng rộng được cải thiện. Con chip di động Qualcomm Snapdragon 835 hiện đã đáp ứng tốc độ 1Gbps, với kết nối 5G, tốc độ đó sẽ tăng lên nhiều Gbps. Thứ hai là sự bùng nổ của Internet of Things (IoT). Theo ước tính, vào năm 2020 sẽ có 20 tỷ thiết bị IoT trên thị trường. Một giải pháp mới cần được đưa ra để có thể đáp ứng được nhu cầu kết nối của số lượng khổng lồ các thiết bị. Thứ ba là các dịch vụ nền tảng/cốt lõi (mission-critical) như cứu hỏa, drone khi bay qua các vùng nguy hiểm. Kết nối dành cho các tác vụ này phải là những kết nối tốc độ cao được đảm bảo và ổn định, khác so với việc kết nối các thiết bị thông thường.
Có rất nhiều lĩnh vực có thể ứng dụng giải pháp kết nối 5G như an ninh công cộng, nông nghiệp thông minh để tiết kiệm chi phí sản xuất, sử dụng năng lượng hiệu quả, kết nối phương tiện, thành phố thông minh hơn.
Một yếu tố quan trọng cho 5G là dải tần. Với 3G hay 4G, các nhà cung cấp dịch vụ phải cố gắng có thêm dải tần để tăng dung lượng, đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau. Công nghệ 5G cũng tương tự, để phát triển các giải pháp tốt hơn, 5G cần khai thác thêm nhiều dải tần.
Một điều rất quan trọng là nhiều dải tần cần phải được giải phóng cho 5G. Công nghệ 5G hoạt động trên nhiều dải tần khác nhau, thấp tần cho công nghệ di động băng rộng và IoT, trung tần và cao tần cho các công nghệ mới, kết nối cho mạng cốt lõi (mission-critical),… Công nghệ 5G không phải là một công nghệ độc lập, mà nó dựa trên nền tảng đi trước; cũng như khi triển khai 4G thì 3G vẫn là một nền tảng quan trọng.
Hiện tại, các nhà mạng Việt Nam đang sẵn sàng triển khai công nghệ 4G cũng như các ứng dụng trên nền tảng này. Đây chính là những bước đi giúp hướng đến công nghệ 5G trong tương lai.
NHƯ QUỲNH