Thực tế cho thấy, dù bạn có thành tích cao trong một môn văn hóa thì không đồng nghĩa bạn sẽ phù hợp với nghề cần tri thức của môn đó. Tuy nhiên, không nhiều bạn trẻ biết, hiểu và được định hướng về điều này.
Chưa kể, sự thiếu hiểu biết về nghề, về nhu cầu xã hội và cũng chưa hiểu rõ bản thân dẫn đến 60% sinh viên chọn sai ngành học, sau khi ra trường chọn sai nghề. Hậu quả để lại rất nghiêm trọng, không chỉ cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến cả xã hội. Dưới đây là 5 hậu quả của việc chọn sai nghề:
Lãng phí công sức
Bạn học một ngành nhưng theo đuổi công việc không liên quan đến ngành đó. Hoặc cố theo đuổi nhưng cuối cùng cũng phải bỏ dở vì không phù hợp hay chọn đại một nghề nào đó vì cần tìm việc làm gấp. Các trường hợp này đều là sự lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và chất xám. Trầm trọng hơn, sự lãng phí đó không chỉ riêng bạn mà còn của thầy cô, gia đình.
Bạn mất thời gian, công sức để hoàn thành các môn học. Bố mẹ phải lao động để đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho bạn. Thầy cô bỏ chất xám, thời gian để đào tạo. Nhưng cuối cùng, tất cả những công sức đó đều không được dùng đến hoặc dùng quá ít.
Ngược lại, nếu đúng ngành, đúng nghề, bạn nhanh chóng có công việc, có thu nhập để “hoàn vốn” đã bỏ ra trước đó. Chất xám thầy cô trao, công sức bạn học hành được “sử dụng” đúng lúc đúng chỗ và tạo ra giá trị cho xã hội.
Chính bởi vậy, ngay từ khi chọn ngành học, bạn phải cân nhắc nghiêm túc. Nếu chưa tự tin bản thân thì hãy hỏi ý kiến người khác, thầy cô, hoặc nhờ chuyên gia… Trong quá trình học, bạn cần quan sát bản thân, xu hướng thị trường việc làm. Nếu thấy không phù hợp thì nên quyết định sớm để tránh lãng phí tiếp theo. Đừng để rơi vào tình huống học xong đại học, thậm chí thạc sĩ nhưng cuối cùng bạn vẫn không theo đuổi nghề đã học.
Chán nản, không có niềm vui
Nghề nghiệp gắn bó với bạn cả đời và một trong những hậu quả của việc chọn sai nghề là bạn không thể tìm thấy niềm vui công việc. Chưa kể, công việc sẽ có thử thách. Bạn sẽ không có động lực để tìm hiểu sâu từng vấn đề và giải quyết các khó khăn. Bạn làm việc theo kiểu đối phó. Theo thời gian, mỗi ngày đi làm sẽ giống như “bị đeo gông vào cổ”, bạn mệt mỏi, stress thậm chí trầm cảm.
Do đó, một trong những yếu tố chọn nghề là xem bản thân có đam mê, sở thích gì. Sự hứng thú sẽ giúp bạn vượt qua một số thiếu hụt về năng lực, hoàn cảnh…
Khó thăng tiến, khó xin việc mới
Thành tựu chỉ đến khi bạn tạo ra giá trị sau quá trình nỗ lực và phát triển bản thân. Không tạo ra đóng góp cho doanh nghiệp thì vị trí bạn chỉ “dậm chân tại chỗ” thậm chí dễ bị sa thải.
Khi mất việc, bạn không dễ tìm được việc mới. Vì công việc mới nếu đúng đam mê thì bạn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Không chuyên môn, không kỹ năng, không kinh nghiệm rất khó để lọt vào mắt nhà tuyển dụng. Chưa kể, một người có lịch sử làm sai nghề sẽ không được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Họ cho rằng, bạn thiếu kiến thức về thị trường việc làm, quan trọng hơn là không hiểu rõ giá trị, điểm mạnh, yếu của bản thân.
Do đó, trước khi chọn nghề, bạn cần nghiêm túc phân tích từng điểm yếu, điểm mạnh để có lựa chọn phù hợp năng lực.
Bỏ qua giai đoạn vàng phát triển
Độ tuổi phát triển rực rỡ nhất của trí tuệ mỗi cá nhân là từ 20 – 30 tuổi. Nếu học sai sau đó tiếp tục chọn sai nghề, thì coi như bạn đã bỏ lỡ 10 năm vàng để đạt đỉnh cao sự nghiệp.
Kể cả, sau 30 tuổi, bạn bắt đầu lại thì vẫn mất khoảng thời gian để “học”. Có thể đích cuối bạn vẫn đạt tuy nhiên con đường chông gai hơn, mất nhiều công sức hơn. Trong khi đó, chọn đúng ngành, đúng nghề ngay từ đầu sẽ giúp bạn tận dụng được “thời điểm vàng” phát triển trí tuệ và sớm đạt thành tựu.
Gây lãng phí nguồn nhân sự
Bạn chọn sai nghề thì bạn và gia đình gánh hậu quả nhưng nhiều bạn, thậm chí tới 50% sinh viên sai ngành nghề thì xã hội chịu tổn thất lớn.
Năng lực của các bạn không được sử dụng khi đang ở trong độ tuổi lao động tốt nhất. Đó là sự lãng phí đối với xã hội. Chưa kể, nó còn tạo ra sự thiếu hiệu quả trong sử dụng nguồn lực, mất cân bằng trong phân công lao động. Ngành thì thiếu lao động nhân sự cao, ngành thì không sử dụng đến. Sự mất cân bằng này còn kéo theo các hệ lụy xã hội khác.
Bởi vậy, chọn đúng nghề, đúng môi trường, bạn như “con cá” vùng vẫy giữa biển khơi và chinh phục các thành tựu. Nhưng chọn sai nghề như “con cá học cách leo cây” vậy. Tất nhiên đúng – sai chỉ là tương đối. Sẽ không có nghề nào hoàn hảo ngay từ đầu. Do đó, hãy để bản thân bạn có cơ hội được thích nghi. Chỉ khi đã nỗ lực nhưng vẫn không thể “tiếp tục” thì bạn nên dứt khoát thay đổi để tránh hậu quả của việc chọn sai nghề.
Nam Khánh