Không ít sinh viên đã có những lầm tưởng về cách viết CV, khiến nó trở nên rối rắm hoặc chưa thể hiện được tiềm năng của bản thân. Vậy, những lầm tưởng đó là gì?
Chưa có kinh nghiệm thì không có gì để viết
Có phải bạn đã ngập ngừng rất lâu trước khi viết gì đó vào CV xin việc vì bản thân luôn cho rằng: “Mình đã có kinh nghiệm làm việc đâu, lấy gì mà ghi vào”?
Chưa có kinh nghiệm làm việc là điều rất dễ hiểu khi chúng ta là những sinh viên vừa ra trường. Nhưng thử nghĩ sâu hơn mà xem, chẳng lẽ suốt 4 năm đại học, bạn thực sự chẳng học hỏi được gì hay làm được điều gì để chia sẻ với nhà tuyển dụng?
Thực tế, kinh nghiệm không chỉ đến từ việc bạn từng là thực tập sinh hay nhân viên chính thức cho một công ty nào đó. Nó có thể đến từ những dự án bạn từng tham gia ở trường, những sự kiện bạn từng tổ chức khi sinh hoạt tại các câu lạc bộ, những chương trình thiện nguyện/những dự án cộng đồng bạn từng đóng góp một phần công sức. Tất cả những hoạt động này đều có thể mang đến cho bạn những bài học kinh nghiệm và những kỹ năng quý báu, xứng đáng để bạn tự hào và đưa vào CV của mình.
Đừng ngần ngại chia sẻ về một dự án khó bạn từng tham gia, cách bạn vượt qua thử thách và kết quả mà đội nhóm của bạn đã đạt được, kể cả những kỹ năng mềm mà bạn đã trau dồi được trong thời gian đó. Điều này vừa tạo điểm nhấn cho CV, vừa cho thấy bạn là một bạn trẻ năng động, biết học hỏi từ mọi cơ hội mà bản thân có được.
Chỉ cần mẫu CV đẹp là đã đủ thu hút
Trong thời đại mọi tinh hoa của nhân loại đều có thể khám phá sau một cú click chuột, không ít tân cử nhân bị thu hút bởi những mẫu CV chuyên nghiệp, thẩm mỹ và coi đó là “phao cứu sinh” trong hành trình tìm việc.
Chúng đẹp, nhưng chỉ ở vẻ bề ngoài. Nếu bạn không thể tạo nên chiều sâu từ những kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân thì CV của bạn chẳng khác nào một cô gái đẹp nhưng nội tâm rỗng tuếch. Khi nhà tuyển dụng cầm trên tay một mẫu CV đẹp, họ sẽ khen ngợi hình thức của nó trong tích tắc nhưng sẽ vứt đi ngay sau đó nếu nội dung bên trong không mang lại bất cứ giá trị gì.
CV càng dài, càng nhiều thông tin càng tốt
Có thể nói, đây là một trong những lầm tưởng thường gặp nhất ở những sinh viên mới ra trường. Không ít bạn vẫn tin rằng, CV phải viết càng dài, càng chi tiết thì càng tốt. Có như vậy mới chứng minh được năng lực, khao khát làm việc và cống hiến của bản thân. Nhưng hãy thử đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng, một CV dài 3-4 trang giấy với chi chít thông tin vụn vặt liệu có khiến bạn muốn đọc đến trang cuối? Và một bạn trẻ ứng tuyển vị trí Marketing nhưng lại liệt kê một loạt thành tích về thể thao liệu có ý nghĩa gì?
Thực tế, nhà tuyển dụng chỉ dành khoảng 6-10 giây để lướt qua một CV. Nếu họ không nhìn thấy những thông tin quan trọng ngay từ ban đầu, CV của bạn sẽ lập tức bị lãng quên. Vậy nên thay vì cố gắng viết thật dài, hãy tinh lọc những kinh nghiệm và thành tích quan trọng nhất, phù hợp nhất với vị trí bạn đang ứng tuyển. Chỉ những thành tích, chứng chỉ liên quan trực tiếp đến vị trí ứng tuyển mới thực sự cần thiết để giúp CV của bạn trở nên nổi bật. Nếu bạn liệt kê quá nhiều thông tin không liên quan, CV sẽ bị loãng và rất có thể, nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua nó trước khi tìm thấy những nội dung thực sự quan trọng.
Không coi trọng mục tiêu nghề nghiệp và kỹ năng mềm
Có phải bạn vẫn cho rằng, kỹ năng mềm hay mục tiêu nghề nghiệp chỉ là những nội dung thứ yếu trong CV và bạn chưa từng để tâm hay chăm chút cho những nội dung này? Nhưng sự thật thì thế nào? Sự thật là nhà tuyển dụng rất quan tâm đến những yếu tố mà bạn cho là không quá cần thiết vì họ không chỉ cần một ứng viên giỏi chuyên môn mà còn kỳ vọng vào sự linh hoạt trong công việc và sự cầu tiến trong sự nghiệp của bạn.
Hãy trình bày mục tiêu nghề nghiệp ngắn gọn, súc tích, thể hiện rõ bạn muốn phát triển ở lĩnh vực nào và có thể đóng góp những gì cho công ty. Ở phần kỹ năng mềm, đừng chỉ ghi chung chung như kỹ năng làm việc nhóm mà hãy mô tả chi tiết hơn về kỹ năng này. Ví dụ: “Kỹ năng làm việc nhóm – từng tham gia và điều phối các dự án nhóm, đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc”.
CV xin việc là bước đầu tiên nhưng cũng là bước quan trọng nhất trên hành trình tìm việc của một sinh viên mới ra trường. Mỗi CV đều là một câu chuyện, hãy kể câu chuyện của riêng bạn với sự tự tin, tinh tế và chuyên nghiệp để CV của bạn không chỉ là một tờ giấy mô tả kinh nghiệm đơn thuần mà còn là cầu nối để nhà tuyển dụng muốn lập tức gặp gỡ bạn!
Trang Đoàn