3000th Duel là tựa game hành động nhập vai với lối chơi metroidvania kết hợp “những củ hành” của dòng game Soulsborne tương tự Salt and Sanctuary nhưng quy mô nhỏ hơn, đưa người chơi đến với những cái chết êm ái “nhìn mà tức á”.
3000th Duel mở đầu với câu chuyện gợi sự tò mò và tạo hình nhân vật chính khá ngầu. Bạn sẽ điều khiển một “soái ca” được tái sinh, không nhớ gì về tiền kiếp và thân thế của mình. Trên tay thanh kiếm “khủng” cùng bộ trang phục trông như sát thủ, đi tới đâu mặt đất tỏa ánh hào quang đến đó. Người chơi sẽ cùng nhân vật tung hoành khắp nơi để tìm manh mối cho câu hỏi: tôi là ai? đây là đâu? Thông qua trải nghiệm chiến đấu và khám phá, bạn sẽ có được câu trả lời mà mình cần. Thế nhưng, con đường tìm kiếm sự thật cũng lắm chông gai và nhiều cảm xúc, đầy đủ mọi hỉ nộ ái ố đang chờ bạn trong từng bước chân sơ sẩy của nhân vật chính.
Với phong cách đồ họa ngồ ngộ và mức độ thử thách khá cân bằng không quá khó cũng không quá dễ và lối chơi metroidvania khá hấp dẫn, 3000th Duel là trải nghiệm mang đến cho bạn sự ấm ức sau mỗi lần đại bại dưới tay boss. Nếu sơ ý hoặc chủ quan khinh địch, vài kẻ thù thông thường cũng đủ để tiễn nhân vật của bạn về với màn hình You Burnt “trước lạ sau quen”. Tiếp nối đó là chuỗi tái sinh với Karma nằm lại nơi tàn tro của nhân vật, đòi hỏi người chơi phải chiến đấu với nó để giành lại những gì vừa đánh mất. Mô tả hoa mỹ là vậy, nhưng kỳ thực nơi bạn ngã xuống sẽ xuất hiện một quả cầu hiếu chiến, sẵn sàng tử chiến với người chơi đến cùng nếu biết bạn có ý định “hốt xác” nó.
Về cơ bản, Karma giống như điểm kinh nghiệm của nhân vật. Thiết kế này ban đầu khiến tôi hơi bất ngờ nhưng về sau lại gây nhiều ức chế, nhất là sau khi khiến nhân vật bỏ mạng sau cuộc tử chiến với boss. Đã phải lo đối phó với “ông trùm” lại còn bị “nghiệp chướng” của mình đeo bám. Tuy nhiên, nếu người chơi để nhân vật thiệt mạng trước khi tiếp cận “tàn tro” của mình, ở một diễn biến khác sẽ là “có không giữ, mất đừng tìm”. Đáng nói, điều này lại rất thường xảy ra trong trải nghiệm 3000th Duel do “đội ngũ” kẻ thù khá “cao tay”. Mỗi loại kẻ thù đều có những đòn tấn công khác nhau, đòi hỏi bạn phải chú ý quan sát để phản đòn đúng thời điểm. Vấn đề ở chỗ, nhân vật chính không có khả năng đỡ đòn tấn công của kẻ thù.
Thay vào đó, bạn phải học cách chiến đấu và né tránh với mỗi loại kẻ thù khác nhau, sử dụng các kỹ năng và ba nhóm vũ khí: blade, heavy blade và lance. Về cơ bản, mỗi vũ khí trong 3000th Duel sẽ có ưu và khuyết điểm riêng về khả năng chiến đấu, mang nhiều cảm giác của dòng game Soulsborne. Cụ thể, blade là loại vũ khí linh hoạt nhất với khả năng tấn công “nhanh như chớp”, trong khi heavy blade ra đòn rất chậm nhưng gây sát thương cao. Riêng lance như bạn có thể đoán vũ khí này có lợi thế về chiến đấu tầm xa, nhưng độ cơ động và linh hoạt khi thực chiến rất kém, dễ sơ hở khi “xuất chiêu” khiến nhân vật trở thành “bao cát” cho kẻ thù “xả stress”.
Dù vậy, chiến đấu bằng mỗi loại vũ khí đều khá thỏa mãn vì có sự khác biệt, không chỉ thay đổi về mặt hình thức và mang cảm giác chiến đấu hao hao nhau như một số tựa game cùng thể loại trên thị trường. Cảm giác điều khiển cũng rất tốt và nhạy nút trong các phân đoạn đi cảnh đòi hỏi di chuyển và nhảy liên tục trên các mặt phẳng. Nhân vật cũng khá linh hoạt trong chiến đấu, nhưng còn tùy vào loại vũ khí mà người chơi sử dụng. Đơn cử như các loại vũ khí blade sẽ giúp nhân vật dễ né tránh bằng kỹ năng lướt nhanh (dash) hơn so với cầm vũ khí heavy blade trên tay. Mặt khác, tuy nhân vật không có khả năng đỡ đòn, nhưng người chơi có thể dùng dash để thay thế thiếu sót kỹ năng nói trên.
Các yếu tố nhập vai quen thuộc được tích hợp khá tốt trong trải nghiệm 3000th Duel, mang chút cảm giác Soulsborne. Từ sử dụng Karma để thăng cấp đến nâng cấp chỉ số và điểm kỹ năng cho nhân vật, sử dụng các vật phẩm hỗ trợ, tất cả đều khá quen thuộc nếu bạn đã từng trải nghiệm dòng game Soulsborne trước đây. Sự kết hợp giữa nâng cấp điểm chỉ số và vũ khí trao cho người chơi cơ hội tạo ra những “lớp nhân vật” khác nhau, phù hợp với nhiều phong cách “chặt chém” của mỗi người. Hệ thống kỹ năng tuy có sự phân tách cho mỗi loại vũ khí nhất định nhưng nếu muốn, bạn cũng có thể mở khóa toàn bộ để nhân vật “văn võ song toàn” trong suốt thời lượng chơi bình thường chứ không cần quá “cày cuốc”.
Ấn tượng nhất trong trải nghiệm 3000th Duel có lẽ là những trận đánh boss, đặc biệt là ở nửa sau trải nghiệm. Nhiều con boss gợi cho tôi cảm giác “boss chiến khổ dâm” trong dòng game Soulsborne. Tuy nó khá là ức chế và bất công nhưng kết quả sau cuối lại khá hào hứng. Tuy nhiên, một số lựa chọn tông màu cho các đòn tấn công của boss đôi khi dễ khiến người chơi nhầm lẫn, khó “đọc vị” được đòn thế của kình địch để chủ động né tránh. Không rõ đây có phải thiết kế chủ ý của nhà phát triển hay không, nhưng những phân đoạn này thường khiến tôi phải “chơi chiêu” bằng cách dùng vật phẩm hồi máu để sinh tồn, có cảm giác độ khó tăng vọt so với nửa đầu trải nghiệm.
Vấn đề là vật phẩm hồi máu không hề dễ kiếm trong 3000th Duel. Người chơi không những phải mua nó bằng Karma, mà thứ tài nguyên quý giá này còn dùng để nâng cấp cho nhân vật. Nếu như vậy chưa đủ “củ hành”, bạn sẽ càng “đau khổ dằn vặt” hơn khi biết Karma kỳ thực là tiền tệ trong game. Mọi thứ bạn có thể mua và nâng cấp trong trải nghiệm từ vật phẩm, nâng cấp vũ khí, occult (tuyệt kỹ) và thậm chí nâng cấp chỉ số cho nhân vật, tất cả đều cần đến Karma. May mắn là nhà phát triển cũng rất tử tế khi thiết kế các lối đi tắt và vị trí save game rất hợp lý, duy trì trải nghiệm không bao giờ quá thử thách trừ khi bạn mù đường hoặc không biết đọc bản đồ.
Tất nhiên, sau những “lời có cánh” là đến “đại hội vạch mặt”. Kỳ thực, 3000th Duel cũng không hoàn hảo nhưng trừ khi bạn là người chơi khó tính, những vấn đề của game đều có thể châm chước bỏ qua. Đầu tiên là phong cách đồ họa mang đến cảm giác khá trái chiều trong thiết kế. Mặc dù cảnh nền khá đẹp, tạo hình boss đa dạng vừa ngầu vừa dị, nhưng nhiều kẻ thù thông thường lại mang thiết kế khá chán, không hề có cảm giác đồng nhất với “phần còn lại của thế giới”. Cảm giác giống như hai đội dựng hình khác nhau làm việc độc lập rồi được quản lý dự án duyệt ý tưởng tạo hình mà không qua thảo luận với nhau vậy.
Tương tự, nhạc nền trong 3000th Duel cũng chỉ ở mức không giữ trải nghiệm yên tĩnh, chưa tạo được cảm giác đáng nhớ sau khi kết thúc trải nghiệm hay sôi nổi cần thiết trong suốt quá trình chơi. Các yếu tố giải đố cũng là một điểm trừ nhỏ về mặt gameplay, vừa không đa dạng mấy mà còn được tái sử dụng lại ý tưởng cũ khá nhiều. Một vấn đề nữa là chất lượng dịch thuật tiếng Anh không tốt lắm, thỉnh thoảng vẫn thấy các câu từ khó hiểu hoặc tối nghĩa, khiến tôi càng về sau càng cảm thấy kém hào hứng với cốt truyện game dù ban đầu nó gợi khá nhiều sự tò mò.
Sau cuối, 3000th Duel mang đến một trải nghiệm lai tạo khá thú vị và hào hứng giữa thể loại hành động nhập vai “chặt chém khó nhằn” và metroidvania. Mặc dù vậy, những khía cạnh còn hạn chế khác của game có thể khiến những người chơi “yêu cái đẹp” và khó tính cảm thấy chưa hài lòng. Nếu gameplay là ưu tiên hàng đầu, đây chắc chắn là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc.
3000th Duel hiện có cho PC (Windows, macOS) và Nintendo Switch
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!