Cuối cùng thì CPU Skylake cũng đã xuất hiện (và đã về Việt Nam). Bộ xử lý Core thế hệ thứ 6 này của Intel được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu suất nhanh hơn và nhiều cải tiến khác, từ bộ nhớ tới kết nối. Dưới đây là những điểm nhấn của bộ xử lý thế hệ mới của Intel.
10. Cần bo mạch chủ mới
CPU Skylake sử dụng socket LGA1151 mới, nghĩa là sẽ không tương thích với các bo mạch chủ LGA1150 đang được sử dụng cho các bộ xử lý thế hệ thứ 4 (Haswell) và thứ 5 (Broadwell). Điều này là cần thiết cho bộ nhớ RAM DDR4 cũng như thiết kế hoàn toàn khác để cấp điện năng cho Skylake.
9. Bộ tản nhiệt CPU không thay đổi
Nếu bạn đã đầu tư lớn cho một hệ thống làm mát bằng chất lỏng hay không khí, thì vẫn dùng tiếp được. Intel sử dụng cùng kích cỡ cho bộ tản nhiệt như với socket LGA1150. Điều này thực ra không thay đổi kể từ thời bộ xử lý Intel sử dụng socket LGA1156.
8. Ép xung tốt hơn
Intel cho biết công ty rất quan tâm tới việc ép xung đối với bộ xử lý thế hệ mới này. Một số thay đổi quan trọng đã được thực hiện cho phép ép xung tối đa với việc bộ phận chính hoàn toàn mở khóa. Những báo cáo gần đây cho biết chip mới ép xung có thể đạt tới xung nhịp 6GHz khi làm mát bằng nitơ lỏng, và đạt 5GHz với hệ thống làm mát bằng không khí .
7. Chipset mới Z170 đáng để nâng cấp
Nếu bạn muốn gắn nhiều thành phần phần cứng vào PC của mình, chipset mới Z170 của Intel là một cải tiến lớn vượt hẳn chipset Z97 với băng thông hạn chế trên nền tảng Haswell. Nhờ những thay đổi thiết kế nội tại và có tới 20 luồng PCIe thế hệ 3, bạn sẽ không phải cắt giảm băng thông GPU chỉ để chạy ổ SSD chuẩn M.2 ở tốc độ cao hơn.
6. Cần RAM thế hệ mới
Skylake hỗ trợ bộ nhớ RAM DDR4, nghĩa là RAM DDR3 xem như đã hết thời. RAM DDR4 được giới thiệu lần đầu vào năm 2014, nhưng lúc đó mới chỉ dùng cho nền tảng cao cấp Haswell-E.
5. Hỗ trợ cả RAM DDR3, nhưng là phiên bản DDR3L hiếm gặp
Điều thú vị là Intel đã bao gồm hỗ trợ DDR3 trong bộ điều khiển bộ nhớ mới tích hợp trong CPU Skylake, nhưng không phải là DDR3 có điện áp tiêu chuẩn mà là DDR3L, một biến thể dùng điện áp thấp của DDR3 hiếm thấy trong các máy tính để bàn. Hầu hết các nhà sản xuất bo mạch chủ chỉ sử dụng RAM DDR3L trên máy tính để bàn trong những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên RAM DDR3L mà bạn có chưa chắc đã dùng được với bo mạch chủ hỗ trợ Skylake.
4. Hiện mới chỉ có 2 dòng CPU Skylake
Intel ưu tiên tung ra CPU Skylake trước cho game thủ, sau đó mới tới lượt người dùng phổ thông và di động. Hiện đã có 2 dòng bộ xử lý 4 nhân: Core i7-6700K xung nhịp 4GHz và Core i5-6600K xung nhịp 3,5GHz, với giá bán tương ứng lần lượt là 350 USD (~ 7,6 triệu đồng) và 243 USD (~ 5,3 triệu đồng).
3. Skylake nhanh hơn
Intel đưa ra kết quả so sánh bộ xử lý cao cấp Skylake với các thế hệ trước, cho thấy: CPU Skylake nhanh hơn khoảng 10% so với Core i7-4790K, 20% so với Core i7-4770K và 30% so với Core i7-3770K. So với CPU thế hệ 4 (Haswell) thì Skylake nhanh hơn không đáng kể, nhưng với những ai đang dùng CPU thế hệ 3 (Ivy Bridge) thì đáng để suy nghĩ.
2. Skylake cho di động sẽ tới muộn hơn
Intel cho biết CPU Skylake cho di động sẽ xuất hiện vào quý 4. Có lẽ Intel sẽ tung ra chip mới cho di động kịp mùa mua sắm cuối năm.
1. Vẫn còn nhiều câu hỏi về Skylake
Chip mới có bao nhiêu transistor? Bên trong thực sự trông như thế nào? Còn nhiều điều chúng ta vẫn chưa biết về Skylake. Có lẽ Intel giữ bí mật để công bố thông tin chi tiết tại Diễn đàn các nhà phát triển Intel (IDF) và cuối tháng này.
Theo PCWorld, Intel